Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông

Trước áp lực về sự gia tăng các phương tiện giao thông trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các đô thị lớn, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã đưa ra nhiều quy định, chính sách nhằm kiểm soát khí thải, từng bước góp phần bảo vệ môi trường.

Nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai kiểm tra chất lượng khí thải ô tô. Ảnh: V.Nguyên

Nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai kiểm tra chất lượng khí thải ô tô. Ảnh: V.Nguyên

Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông phát thải vào không khí một khối lượng lớn các loại khói, khí độc như: CO, CO2, HC, NO2, SO2, khói đen, chì và các dạng hạt khác. Với việc tăng nhanh số lượng ô tô và tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra ngày càng trầm trọng như hiện nay, nâng tiêu chuẩn khí thải đối với loại phương tiện này là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường.

* Chặt chẽ trong khâu đăng kiểm

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 16/2019 ngày 28-3-2019 quy định lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Quyết định này quy định lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu (không áp dụng đối với các loại xe ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh).

Theo Vụ Môi trường (Bộ GT-VT) và Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có trên 50 triệu phương tiện ô tô và mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Hằng năm, có thêm 100 ngàn ô tô các loại và khoảng 3 triệu chiếc mô tô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đưa vào lưu thông và tạo áp lực rất lớn lên môi trường. Mô tô, xe gắn máy đang lưu hành chiếm đến 95% số lượng xe cơ giới, thải ra 80-90% lượng khí CO, HC và các độc tố có trong xăng…

Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông như sau: ô tô sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng mức 1, ô tô sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng mức 2, ô tô sản xuất sau năm 2008 áp dụng mức 3 và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu áp dụng mức 4 theo tiêu chuẩn khí thải là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ô tô quy định tại TCVN 6438:2018. Đặc biệt, các loại xe ô tô sản xuất từ năm 2008 trở lại đây phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải mới, cao hơn so với trước.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay, tổng số ô tô trên toàn quốc đã tăng lên hơn 3,5 triệu chiếc, trong đó có hơn 2,4 triệu ô tô sản xuất từ năm 2008 trở lại đây. Điều này đồng nghĩa với việc, từ ngày 1-1-2020, khoảng 2,4 triệu xe ô tô phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải mới được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông.

Để phục vụ việc kiểm định khí thải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn thiện phần mềm kiểm tra khí thải theo tiêu chuẩn mới. Đồng thời tập huấn, chuyển giao cho các trung tâm đăng kiểm toàn quốc cài đặt, sử dụng. Đây được xem là yếu tố mấu chốt để đảm bảo cho chính sách được áp dụng triệt để vào thực tế.

Ông Trần Minh Lợi, Trưởng dây chuyền kỹ thuật Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cho biết, từ khi áp dụng tiêu chuẩn mới, số lượng xe không đạt kiểm định khí thải gia tăng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai đã tiếp nhận gần 36,5 ngàn lượt phương tiện tới đăng kiểm thì có 1,8 ngàn phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải. Xe chạy dầu bị trượt kiểm định nhiều hơn loại xe chạy xăng. Ngoài ra, nếu phương tiện không được bảo dưỡng, chăm sóc tốt, không thay dầu định kỳ cũng có thể không đạt chuẩn khí thải.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 6004D
(TP.Biên Hòa) cho rằng, việc nâng các tiêu chuẩn khí thải cao hơn so với trước đây nhằm giảm ô nhiễm không khí. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo môi trường sống trong lành, hạn chế ô nhiễm do khí thải từ xe cộ phát ra.

* Cần nhiều giải pháp dài hơi

Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, Bộ GT-VT đã và đang triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Đối với việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy, sắp tới đây, phương tiện này khi tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải, khí thải, theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Dự thảo luật này quy định, cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm tra định kỳ khí thải mô tô, xe gắn máy với lộ trình kiểm tra do Chính phủ quy định.

Trong các giải pháp kiểm soát khí thải, Bộ GT-VT cũng giao Sở GT-VT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm xe ô tô chở vật liệu xây dựng, chất thải không che chắn đúng quy định làm rơi vãi gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông. Đồng thời, ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các doanh nghiệp vận tải tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác, sử dụng phương tiện; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng đầu tư, sử dụng phương tiện ít phát thải; ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải trên xe buýt nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho hay, Sở cũng đã triển khai các biện pháp tổ chức giao thông khoa học, hợp lý nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại một số khu vực thường bị ùn tắc. Để giảm lượng khí thải từ xe ô tô, xe máy người dân có thể dùng các phương tiện giao thông công cộng thay thế các phương tiện giao thông cá nhân.

Bên cạnh đó, theo đề xuất của Bộ TN-MT trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi.

Võ Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202006/kiem-soat-khi-thai-phuong-tien-giao-thong-3010090/