Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cần có lộ trình phù hợp

Do Việt Nam có số lượng ô tô, xe máy quá lớn nên việc áp dụng kiểm soát khí thải cần nghiên cứu cẩn trọng và đánh giá tác động để đưa ra lộ trình cho phù hợp.

Hội thảo Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô tham gia giao thông

Hội thảo Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô tham gia giao thông

Ngày 24/7, Trường Đại học Việt Đức tổ chức Hội thảo Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô tham gia giao thông tại tỉnh Bình Dương.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận giải quyết các thách thức có tính chất quyết định và các giải pháp công nghệ trong kiểm định phương tiện, với mục tiêu nâng cao an toàn giao thông và cải thiện chất lượng không khí.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, những năm qua Việt Nam có nhiều nỗ lực để kiểm soát phát thải độc hại. Tuy nhiên, để thực hiện việc kiểm định khí thải xe máy là một bài toán cực kỳ thử thách, bởi lượng xe máy ở Việt Nam rất lớn (khoảng 60 triệu xe mô tô, gắn máy và 6 triệu xe ô tô) việc xây dựng mạng lưới kiểm định mất gần 30 năm mới được gần 300 trạm. Còn lượng xe máy gấp 10 lần ô tô, dù kiểm định đơn giản hơn nhưng tỉ lệ tương ứng để phủ rộng giai đoạn đầu cũng cần hàng nghìn cơ sở tham gia kiểm định.

Ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phát biểu tại Hội thảo

Để giải bài toán kiểm soát khí thải phương tiện, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết: "Kiểm định khí thải phương tiện giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện chủ trương mục tiêu đưa phát thải ròng về zero vào năm 2050. Việc kiểm soát khí thải ô tô, xe máy cũng được nghiên cứu từ lâu (năm 2010 Chính phủ đã có Đề án 909 về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy đang lưu hành)".

Theo số lượng thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, hiện nay số lượng mô tô, xe máy ở Việt Nam rất lớn (khoảng 60 triệu xe) với số lượng phương tiện lớn như vậy việc kiểm soát khí thải là bài toán cực kỳ nan giải và ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người dân (đặc biệt người có thu nhập thấp). Chính vì vậy, các cơ quan cần nghiên cứu kỹ, thận trọng, đánh giá tác động để đưa ra lộ trình cho phù hợp. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã tính toán phương án huy động khoảng 300 đơn vị trong hệ thống kiểm định xe cơ giới hiện nay, hơn 600 cơ sở bảo dưỡng xe máy, 1.800 đơn vị thuộc hệ thống các xưởng bảo hành, bảo dưỡng xe máy. Tổng cộng sẽ có khoảng 2.700 đơn vị có thể kiểm định khí thải xe máy. Phải huy động toàn bộ nguồn lực thì làm mới thành công được, ông Phương cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng "Kiểm soát khí thải là bài toán nan giải và ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người dân. Vì vậy, cần nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tác động để đưa ra lộ trình cho phù hợp".

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng "Kiểm soát khí thải là bài toán nan giải và ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người dân. Vì vậy, cần nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tác động để đưa ra lộ trình cho phù hợp".

Cũng theo ông Phương, nên triển khai kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở các thành phố lớn trước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… sau đó mới lan tỏa dần ra các địa phương khác. Ngoài ra, có thể nghiên cứu các loại phương tiện nào cần làm trước để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường vừa đảm bảo tính khả thi của việc kiểm soát khí thải.

Thời gian tới, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ lộ trình áp dụng chương trình khí thải đối với các phương tiện tham gia giao thông, ông Phương nhấn mạnh.

Lượng phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Lượng phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Ở góc nhìn nghiên cứu khoa học, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng: "Đối với các thành phố lớn ở Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh nơi có rất nhiều phương tiện (khoảng 8 triệu xe máy và hơn 1 triệu xe ô tô) không chỉ gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông mà còn gây ra tác động đến sức khỏe của người dân rất lớn. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần phải có nghiên cứu và đưa ra lộ trình phù hợp để kiểm soát phát thải, khí bụi bẩn. Thời gian tới, Trường Đại học Việt Đức cũng sẽ phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương và các tổ chức nước ngoài nghiên cứu sâu hơn để đưa ra lộ trình cho phù hợp".

"Tuy nhiên, trước mắt, tôi nghĩ TP. Hồ Chí Minh có thể đi tiên phong triển khai vấn đề này trong 5 năm tới, có thể phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để xem xét các quy chuẩn, quy định hướng dẫn về mặt kỹ thuật đối với kiểm soát khí thải xe máy để triển khai ở giai đoạn đầu bằng cách sử dụng các trung tâm bảo dưỡng xe máy để kiểm định", ông Tuấn chia sẻ.

Góp ý thêm, ông Tuấn cho rằng cần có giải pháp kỹ thuật để giảm lượng phát thải bụi bẩn của những xe máy nào không đạt yêu cầu khi kiểm định. Với những xe không thể bảo dưỡng thì cần thải loại. Đi liền với đó thì thành phố cần có chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp để đổi sang xe máy điện... Đó là những định hướng lộ trình trong 5 năm tới mà TP. Hồ Chí Minh có thể thực hiện được.

Văn Quyết

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/kiem-soat-khi-thai-phuong-tien-giao-thong-can-co-lo-trinh-phu-hop-183240724211003348.htm