Kiểm soát lạm phát để giữ đà tăng trưởng

Ngày 6/7, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP quý III từ 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024 và giữ đà, giữ nhịp phát triển trong năm 2025.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP quý II/2024 phục hồi mạnh, đạt 6,93%. Tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%). Đáng chú ý xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tính chung 6 tháng tăng 14,5% (khu vực trong nước tăng 20,6%; khu vực FDI tăng 13,9%); nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh, người dân mua hàng tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Lê Minh.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh, người dân mua hàng tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Lê Minh.

Triển vọng và 2 kịch bản tăng trưởng

Từ thực tế 6 tháng đầu năm của nền kinh tế Việt Nam, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Nhiều định chế tài chính như ADB, Standard Chartered, HSBC, IMF... dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam trên 6%.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, kết quả tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực, đặc biệt trong quý II. Ông Phương coi đây là sự tăng trưởng đột phá mở ra kỳ vọng vào tăng trưởng cuối năm 2024 sẽ tốt đẹp hơn.

Với 6 tháng còn lại của năm 2024, Bộ KHĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Thứ nhất (kịch bản cơ sở): Tăng trưởng cả năm đạt 6,5%. Theo Bộ KTĐT, đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Thứ hai (kịch bản cao): Dự kiến tăng trưởng cả năm đạt 7% (quý III tăng 7,4%, quý IV tăng 7,6%).

Theo Bộ KHĐT, mặc dù trên 7% là mức cao nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng phấn đấu được trong bối cảnh chúng ta cố gắng khắc phục các yếu tố hạn chế. “Chúng tôi báo cáo với Chính phủ lựa chọn phương án kịch bản mới, tăng trưởng cả năm khoảng 6,5-7%. Trong đó, Bộ KHĐT kiến nghị với Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn 7% để có những chỉ đạo quyết liệt hơn, hướng đến mục tiêu này” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Cùng đó, ông Phương lý giải 6 yếu tố tạo nên tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024.

Đó là: (1) Xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới. (2) Động lực để đầu tư bao gồm cả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư FDI, đều tăng trưởng tích cực. (3) Động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỉ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên. (4) Du lịch phục hồi khá mạnh mẽ, lượt khách nội địa và quốc tế đều tăng. (5) Quốc hội đã thông qua hiệu lực của 3 luật rất quan trọng, là Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Kinh doanh nhà ở (áp dụng từ 1/8 tới).

3 luật này sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản mà 6 tháng đầu năm là mảng gặp rất nhiều khó khăn. Với các quy định mới thông thoáng hơn và tạo điều kiện hơn, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. (6) Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ rất quyết liệt; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặt biệt 4 địa phương là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP dưới góc nhìn chuyên gia

Ở góc độ chuyên gia, nhiều ý kiến cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm của Việt Nam. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nhiều chỉ dấu cho thấy tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể cao hơn mục tiêu đề ra. “Tôi cho rằng kinh tế cuối năm có thể có mức tăng trưởng cao hơn trong khoảng 6,8-7,3%” - ông Thịnh nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp đã có quá trình phục hồi tương đối tốt và đã đạt được những kết quả khả quan.

Từ ngày 1/7, Chính phủ cũng đã giảm hơn 36 khoản phí và lệ phí với tổng số tiền phí giảm khoảng 700 tỷ đồng. Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp sẽ phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh nhờ có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động.

Còn TS Nguyễn Quốc Việt (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR) dự báo, 6 tháng cuối năm tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, theo ông Việt, tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó có thể đạt được trong năm bởi có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.

Ông Việt cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2024. Với kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP ở mức 5,85%; lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5 - 6%. Kịch bản thứ hai, tăng trưởng GDP ở mức 6,01%; lạm phát ở mức 5%.

Như vậy, dù còn ý kiến khác nhau, dự báo khác nhau nhưng “mẫu số chung” vẫn là tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam là khá, nhất là việc kiểm soát lạm phát hiệu quả.

Kiểm soát chặt lạm phát trong bối cảnh mới

Hồi đầu năm, phát biểu tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024”, do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức; nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2024 dù còn nhiều khó khăn nhưng lạm phát sẽ tương đối “dễ thở”. Theo TS Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính), lạm phát năm 2024 trong khoảng 3%.

Tại thời điểm này, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Đáng chú ý, giá cả hàng hóa rục rịch tăng trong bối cảnh tăng lương cơ sở (từ ngày 1/7) khiến nhiều ý kiến lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.

Theo PGS.TS Vũ Duy Nguyên (Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính), CPI bình quân ở khoảng 3,95% với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.

Tăng trưởng GDP cao là lý tưởng, nhưng nếu lạm phát cũng tăng cao thì cũng sẽ làm mất nhiều ý nghĩa. Để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm, bà Nguyễn Thu Oanh (Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê) cho rằng cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới; đồng thời đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kể từ ngày 1/7, áp dụng chế độ lương mới tăng, theo bà Oanh, đối với các loại hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, thì không nên điều chỉnh tăng ở cùng một thời điểm. Và cũng không nên dồn vào cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát.

Ý kiến chung của giới chuyên gia tài chính cũng cho rằng, cho dù một lượng tiền lớn “bơm” ra từ tăng lương, nhưng 6 tháng cuối năm CPI vẫn ở mức chấp nhận được, có nghĩa là không có khả năng lạm phát.

Nói như TS Trần Toàn Thắng (Bộ KHĐT), với khoảng 4 triệu lao động trong hệ thống công, mức tăng chưa thể thay đổi cấu trúc được nhiều cấu trúc tiêu dùng của một số loại hàng hóa. Những yếu tố gây biến động chỉ số lạm phát trong 6 tháng đầu năm đến từ giá thịt lợn, giá thực phẩm chỉ có tác động trong thời gian ngắn, chưa tạo tác động mặt bằng giá mới. “Mặt khác, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, chỉ số lạm phát khoảng 4% không phải quá lo ngại” - theo ông Thắng.

NAM VIỆT

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kiem-soat-lam-phat-de-giu-da-tang-truong-10285321.html