Kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi tăng trưởng, hỗ trợ người dân
Có ý kiến từng ví von rằng, 'tăng trưởng có thể giúp bạn trở nên giàu có, thì lạm phát chính là kẻ móc túi vô hình luôn thường trực bên bạn'. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Chính phủ vừa phải gồng mình chống dịch, vừa tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc kiềm giữ lạm phát sẽ góp phần thực hiện cả 2 mục tiêu đó.
Bài 1: Sức ép về giá và ứng phó nhanh nhạy của Chính phủ
Áp lực về giá đôi khi đến từ yếu tố tâm lý. Đây là yếu tố mà cơ quan quản lý giá luôn lưu tâm, nó sẽ tác động để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá, gây lạm phát kỳ vọng. Thực tế thời gian qua, khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, có thời điểm giá cả bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Dù chưa có tiền lệ, nhưng các bộ, ngành đã phản ứng rất nhanh, kịp thời vào cuộc ngăn tình trạng này.
Tình trạng “té nước theo mưa” khó chấp nhận
Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát trong tháng 7 vừa qua nhích nhẹ là do yếu tố tâm lý. Thông tin từ Tổng cục Thống kê đã minh chứng điều này. Trong tháng 7/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa. Điều này khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,62% so với cùng kỳ.
Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát trong tháng 7 vừa qua nhích nhẹ là do yếu tố tâm lý. Thông tin từ Tổng cục Thống kê đã minh chứng điều này. Trong tháng 7/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa. Điều này khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,62% so với cùng kỳ.
Dù không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng, nhưng giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao tại một số thời điểm do nguồn cung bị gián đoạn đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ở TP. Hồ Chí Minh, thực phẩm tăng chủ yếu ở chợ truyền thống, tại các điểm bán hàng quanh các khu dân cư, hay mua đồ online, do lo ngại dịch lây lan tại các nơi tập trung đông người như siêu thị. Giá rau củ có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Giá cả tăng cao được lý giải là do các chợ đầu mối đóng cửa, quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển cao, kèm theo đó người dân tới mua đông nên dẫn tới tăng giá các mặt hàng.
Câu chuyện về giá có sự “bất thường” tại chuỗi cung ứng Bách hóa Xanh tại TP. Hồ Chí Minh cũng là một chủ đề “nóng” dư luận thời gian qua. Trong bối cảnh người dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh ập đến, thì việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng “té nước theo mưa” khiến dư luận khó chấp nhận.
Nhận định về tình trạng này, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, đúng là vừa qua, ở thời điểm ban đầu một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng, nhưng đây chỉ là hiện tượng mang tính cục bộ tại một số địa phương.
Các bộ cùng bắt tay vào cuộc
Ngay lập tức, sau khi sự việc được phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; không để thiếu hàng hóa, ách tắc lưu thông.
Cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý.
Thực hiện giãn cách sau TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã hạn chế được tình trạng này. Tại Hà Nội, nếu vào Google gõ cụm từ “đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân”, chỉ trong 0,58 giây, có đến 34,4 triệu kết quả. Nguồn cung đảm bảo, hàng hóa tại các siêu thị dồi dào. Sở Công thương Hà Nội công bố 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận huyện của thành phố; 455 chợ cung cấp hàng hóa thiết yếu để người dân yên tâm chống dịch, đảm bảo các yêu cầu về giãn cách.
Ở thời điểm tuần đầu tháng 7, khi tình hình nguồn cung hàng hóa đang căng thẳng, trả lời báo chí, ông Lâm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, hệ thống này đang tiêu thụ khoảng 60 tấn rau củ quả/ngày, tăng gấp 3 lần so với trước đó. Dù sức mua tăng gấp 5 lần, tổng công ty vẫn tăng cường lượng hàng hóa, kịp thời cung cấp đủ nhu cầu người dân. Hay như đại diện Saigon Co.op cho biết, dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, xét nghiệm..., nhưng Saigon Co.op không tăng giá hàng hóa, chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân.
Trong khi các doanh nghiệp không chần chờ xắn tay vào cuộc, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã kịp thời triển khai một loạt các giải pháp, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đưa nhiều mặt hàng nông, thủy sản đang vào mùa thu hoạch đến tay người tiêu dùng. Phòng chống dịch bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, Bộ “Nông” tìm đầu ra cho nông sản, thủy sản, Bộ “Thương” không để đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa. Người dân trong khó khăn do ứng phó với dịch bệnh, không thể “gánh” thêm nỗi lo túi tiền cứ vơi dần sau mỗi lần đi chợ với những nhu cầu thiết yếu nhất.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường vào cuộc, xử lý đơn vị đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý. Hàng loạt cửa hàng của Công ty CP Thương mại Bách hóa Xanh bị “sờ gáy”. Qua thống kê của lực lượng quản lý thị trường, từ tháng 2/2020 đến ngày 12/7/2021, tổng số vụ kiểm tra, giám sát lên đến 9.751 vụ liên quan đến phòng chống dịch, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,78 tỷ đồng.
Đúng như Chủ tịch Quốc hội từng nhấn mạnh, “không được chủ quan với lạm phát”, những chính sách được ban hành kịp thời, sự phối hợp vào cuộc của các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tin rằng chúng ta không chỉ hoàn thành mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát năm 2021, mà còn đảm bảo thị trường giá cả ổn định, không ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Khơi thông các điểm nghẽn, tiếp sức cho người dân
Có ý kiến rất hay cho rằng, điều hành lạm phát cần bảo đảm linh hoạt, thích ứng với từng giai đoạn của nền kinh tế. Đây cũng là thời điểm hết sức đặc biệt của kinh tế Việt Nam, cần khơi thông điểm nghẽn, tiếp sức cho người dân. Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát - dù có trong tầm tay của chúng ta - chúng ta cũng không thể chỉ nhìn trong ngắn hạn mà chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn, phải tính đến độ trễ của nó, để kiểm soát tốt lạm phát năm 2022.
Đã hết thời lạm phát có nguyên nhân từ khan hiếm hàng. Khi nhiều năm nay, chúng ta ăn nên làm ra, có của ăn của để, nghĩa là không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước gần trăm triệu dân mà chúng ta còn xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực là nông, lâm, thủy sản.
Tại hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 do Bộ Công thương vừa tổ chức mới đây, những chia sẻ của đại diện lãnh đạo một số tỉnh đã cho thấy một Việt Nam “rừng vàng biển bạc”. Cà Mau hàng năm thu hoạch và đánh bắt khoảng 200.000 tấn tôm, cua thu hoạch khoảng 20.000 tấn… Long An sản lượng gạo của tỉnh ước đạt 1 triệu tấn/năm; rau, đậu các loại 300.000 tấn/năm; trái cây 550.000 - 600.000 tấn/năm; thủy sản ước đạt 45.000 tấn/năm; thịt hơi các loại 70.000 tấn/năm; trứng gia cầm 530 triệu quả/năm. Đắk Lắk cung ứng và xuất khẩu: cà phê (557.000 tấn), hồ tiêu (78.000 tấn), sầu riêng (100.000 tấn). Đặc biệt là quả bơ đang vào vụ thu hoạch với sản lượng trên 80.000 tấn.
Người đứng đầu ngành Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã kêu gọi các nhà phân phối, tập đoàn kinh doanh thương mại, tập đoàn bán lẻ, các sàn giao dịch điện tử, kênh thương mại trên nền tảng số, hãy vào cuộc thật sự quyết liệt và sáng tạo để vừa giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm trong hoàn cảnh đặc biệt với tinh thần “một miếng khi đói bằng gói khi no”.
Chúng ta hiện rất cần một niềm tin vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ. Niềm tin này sẽ hóa giải các áp lực để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như kế hoạch đề ra.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)