Kiểm soát nghệ sĩ không tuân thủ quy tắc ứng xử
Bộ VH,TT&DL mong muốn nghe ý kiến cho việc xây dựng quy trình, những cản trở trong triển khai quy tắc ứng xử của người làm nghệ thuật.
Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức cuộc họp liên quan việc xây dựng quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, việc xây dựng quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát các trường hợp không tuân thủ quy tắc của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là việc làm cần thiết.
Đây là hoạt động ảnh hưởng lớn đến xã hội, cần cơ sở pháp lý đảm bảo tính hiệu quả, có sức răn đe. Vì vậy, Bộ VH,TT&DL mong muốn nghe ý kiến cho việc xây dựng quy trình, những cản trở trong triển khai quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ngày 14/6, Ban Tuyên giáo Trung ương có công văn góp ý Dự thảo Quy định về sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quản lý các nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ.
Thực hiện chỉ đạo, Vụ Pháp chế - Bộ VH,TT&DL đã có văn bản gửi kèm các dự thảo gửi đến 10 tổ chức, đơn vị đề nghị phối hợp. Đồng thời, trao đổi với Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử Bộ TT&TT về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo quy trình thí điểm phối hợp.
Dự thảo quy trình gồm các nội dung: Mục đích; phạm vi, đối tượng áp dụng; quy trình phối hợp; tổ chức thực hiện. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, việc xây dựng quy trình phối hợp dựa trên nền tảng quy tắc ứng xử.
Bộ VH,TT&DL đưa ra khuyến cáo, đề xuất về quy trình thí điểm phối hợp phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Các đài truyền hình, cơ quan quản lý có thể dựa trên quy trình riêng để xử lý hoặc theo khuyến cáo của Bộ VH,TT&DL.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cũng gợi mở về quy trình tiếp nhận và xử lý nội bộ, cách tiếp nhận thông tin: “Ngoài các nguồn chính thống, cần phải chọn lọc, tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác, có thể từ quần chúng, từ mạng xã hội… để đảm bảo việc phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đảm bảo tính răn đe, góp phần gìn giữ chuẩn mực hành vi ứng xử đạo đức.
Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.