Kiểm soát nguy cơ mất an toàn thực phẩm dịp Tết
Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe nhân dân, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nói về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, 10 tháng năm 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm, trong đó có 6.578 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 14 tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, 11 tháng năm 2023, ngành đã kiểm tra và phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ nhiều tấn hàng hóa, cá biệt là vụ thu giữ 53 tấn thịt hết hạn sử dụng.
Lực lượng quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét xử lý hình sự 5 vụ việc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.
Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe nhân dân, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận biết thực phẩm an toàn cho người dân; tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu, các sở, ngành chức năng, các địa phương tập trung cao độ, hành động quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch 2024, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Giáp Thìn. Thời gian thực hiện cao điểm trong 90 ngày, từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 15/3/2024.
Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm từ thành phố đến cơ sở rà soát lại thành viên, phân công nhiệm vụ và yêu cầu tất cả thành viên vào cuộc với trách nhiệm cao nhất.
Ngoài ra, các ngành, địa phương xác định rõ địa bàn trọng điểm cần tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền.
Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lực lượng chức năng cần công khai thông tin, nguyên nhân, kết quả xử lý để người dân nắm rõ, chủ động không sử dụng sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Được biết, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm.
Cũng vào thời điểm này, nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được trà trộn bán cho người tiêu dùng.
Do vậy, cứ mỗi dịp cuối năm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đều thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.
Đối tượng thanh, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận/huyện, xã/phường thực hiện kiểm tra.
Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol.
Đoàn kiểm tra đã chú trọng kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến, chế độ bảo quản thực phẩm và các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về con người trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kiem-soat-nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-dip-tet-d204083.html