Mạnh tay xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Vào những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: Xuân Trung.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: Xuân Trung.

Thời gian qua tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng vẫn diễn ra, đặc biệt là các loại thực phẩm không an toàn. Các đối tượng thường gian lận bằng cách thay đổi nhãn mác hoặc chỉnh sửa để kéo dài thời hạn sử dụng trên bao bì để tiêu thụ hàng hóa. Đáng lưu ý, thực phẩm những tháng cuối năm với đặc trưng là các món ăn truyền thống, đồ chế biến sẵn được tiêu thụ mạnh mẽ trong thời gian này. Đây cũng là thời điểm các hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể gia tăng do nhu cầu lớn và mức độ kiểm soát lỏng lẻo hơn.

Theo Báo cáo từ Bộ Y tế, trong tháng 10/2024, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 183 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.561 người bị ngộ độc, trong đó có 12 người tử vong.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân do đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc, liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).

Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cho hay, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Vào thời điểm này, cơ quan chức năng của thành phố đã và đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Đơn cử, mới đây Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở Bò nhúng dấm 555 (có địa chỉ tại 138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trước vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt chủ hộ kinh doanh Bò nhúng dấm 555 với số tiền 12,5 triệu đồng.

Đáng lưu ý, từ đầu tháng 11 đến nay lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội đã ra quân thanh, kiểm tra và phát hiện, thu giữ gần 70.000 lọ nước yến chưng không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và hơn 1,6 tấn chân giò lợn không hóa đơn, xuất xứ. Việc lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện bắt giữ một lượng lớn thực phẩm không bảo đảm ATTP đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Theo ông Đặng Thanh Phong, ngành y tế Hà Nội sẽ kiên quyết ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không bảo đảm ATTP trên thị trường. Tuyệt đối không để các sản phẩm mất an toàn lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm ATTP phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động. Cùng với đó là việc cung cấp thông tin về các cơ sở đạt và không đạt về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.

Ngoài ra, bảo đảm ATTP cho dịp cuối năm 2024 và dịp Tết năm 2025, Sở Công thương Hà Nội cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hãng hóa… Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin, ngành công thương sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối cung- cầu các sản phẩm thực phẩm an toàn từ các vùng sản xuất an toàn của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối của thành phố để vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân, vừa góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường.

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm... Đặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì. Việc sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây ung thư.

An Thái

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/manh-tay-xu-ly-vi-pham-an-toan-thuc-pham-10294477.html