Kiểm soát nhanh, thanh toán kịp thời
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm và triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân như đôn đốc chủ đầu tư, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán kịp thời...
Đôn đốc chủ đầu tư
Nam Định là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu về giải ngân đầu tư công. Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, hết tháng 5.2022, Nam Định giải ngân được 38,3% kế hoạch vốn được giao, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước.
Trong số những yếu tố đóng góp vào kết quả tích cực này, phải kể đến nỗ lực của KBNN tỉnh Nam Định trong vai trò là cơ quan kiểm soát chi. Cụ thể, KBNN Nam Định thường xuyên quán triệt các đơn vị trực thuộc kiểm soát, thanh toán kịp thời các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài việc rút ngắn thời gian kiểm soát hồ sơ, thủ tục theo quy định, KBNN Nam Định đã tuân thủ nghiêm 2 phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau’ và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng dự án cụ thể. Cùng với đó, KBNN Nam Định đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến tới các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Cũng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN Ninh Thuận vừa có công văn gửi các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đề nghị phối hợp thực hiện một loạt giải pháp.
Theo đó, KBNN Ninh Thuận đề nghị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ gửi đến kho bạc để thanh toán khối lượng theo tiến độ, hạn chế để dồn hồ sơ thanh toán vào cuối quý, cuối năm. Để hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết ngay lần đầu, hạn chế sai sót, phải bổ sung hoàn thiện nhiều lần, KBNN Ninh Thuận đề nghị chủ đầu tư kiểm tra, đối chiếu kỹ lưỡng thông tin, số liệu đề nghị thanh toán trước khi gửi đến kho bạc. Bởi thực tế, kho bạc thường xuyên phát hiện những thiếu sót lặp đi lặp lại như: thông tin số tiền đề nghị tạm ứng, thanh toán không phù hợp với hồ sơ đính kèm, sai lệch số liệu trong bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành... Khi đó kho bạc phải từ chối tiếp nhận chứng từ và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện gửi lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chậm trễ trong giải ngân, thanh toán cho nhà thầu.
Về phần mình, KBNN Ninh Thuận sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian kiểm soát chi. Cụ thể, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng từ áp dụng “thanh toán trước, kiểm soát sau” trong vòng 1 ngày làm việc; và trong 2 ngày làm việc với hồ sơ, hợp đồng thực hiện nguyên tắc “kiểm soát trước, thanh toán sau”.
Cán bộ kho bạc kiểm soát chi trên dịch vụ công trực tuyến
Ảnh: HT
Tuyệt đối không phiền hà
Với vai trò của mình, từ đầu năm nay, KBNN Trung ương đã chỉ đạo hệ thống tập trung cho công tác giải ngân đầu tư công, góp phần hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Vào tháng 3, KBNN ban hành quy trình kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống KBNN. Theo đó, KBNN áp dụng phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với khoản chi có hợp đồng và thực hiện thanh toán nhiều lần cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng. Đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho đến khi thanh toán hết giá trị hợp đồng. Trường hợp phát hiện hồ sơ chưa bảo đảm thì chậm nhất trong vòng 3 ngày làm việc, KBNN phải thông báo cụ thể lý do cho chủ đầu tư để hoàn thiện, bổ sung.
Một giải pháp khác là mới đây, KBNN yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tăng cường tiếp nhận và xử lý hồ sơ cam kết chi, kiểm soát chi trên dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, KBNN đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để các đơn vị sử dụng ngân sách hiểu rõ lợi ích của dịch vụ công trực tuyến. Đối với các hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện gửi và nhận qua dịch vụ công trực tuyến thì bắt buộc đơn vị sử dụng ngân sách phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, KBNN đề nghị các đơn vị kho bạc chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ và giao dịch viên trực tiếp thực hiện giao nhận và hoàn thiện hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến bảo đảm đúng quy định. Chỉ đạo giao dịch viên và lãnh đạo các phòng, bộ phận liên quan đến công tác kiểm soát chi tuyệt đối không được sách nhiễu, gây phiền hà, chấp hành đúng quy định về thời gian xử lý hồ sơ, không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do.
Với các giải pháp đã thực hiện, đến hết tháng 5.2022, toàn hệ thống KBNN đã kiểm soát và thanh toán 116,6 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 22,5% kế hoạch năm 2022 Quốc hội, Thủ tướng giao và cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (21,8%).