Sửng sốt những cuộc đấu giá bất thường (Kỳ 1)
Đất đai, tài nguyên khoáng sản được coi là một trong những nguồn lực quan trọng, quý giá để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện nhiều cuộc đấu giá đất, khoáng sản với mức giá được đẩy lên cao gấp hàng chục, hàng trăm lần giá khởi điểm.
Sẽ không có gì đáng lo nếu như mức giá trên phù hợp với sự vận động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng thực tế đã xảy ra tình trạng đẩy giá tạo nên “giá ảo” và không ít mảnh đất vàng, đất kim cương hay các mỏ khoáng sản sau khi đấu giá bị bỏ hoang, chậm triển khai đã gây lãng phí rất lớn, bỏ lỡ cơ hội, nguồn lực, làm méo mó, kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những mỏ cát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng
“Quả bom” đầu tiên về đấu giá khoáng sản các mỏ cát phải kể tới phiên đấu giá được chốt ở mức giá “kinh hoàng” với gần 1.700 tỷ đồng xảy ra tại Hà Nội. Đầu tháng 11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã tổ chức đấu giá 3 mỏ cát tại vị trí thuộc xã Châu Sơn, Tây Đằng (huyện Ba Vì) và Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Mỏ cát Châu Sơn với trữ lượng hơn 700.000m3, tiền đặt cọc hơn 400 triệu đồng, giá khởi điểm 2,8 tỷ đồng, qua 89 vòng với những bước giá liên tục được các nhà đầu tư so kè, kết quả, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn đã giành quyền khai thác mỏ cát với giá hơn 396 tỷ đồng, gấp 141 lần mức khởi điểm.
Đối với mỏ Liên Mạc trữ lượng gần 500.000m3 cát, tiền cọc trên 300 triệu đồng, giá khởi điểm 2 tỷ đồng, qua 53 vòng, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP trúng đấu giá giành quyền khai thác với giá 408 tỷ đồng, gấp 204 lần giá khởi điểm. Tại mỏ Tây Đằng - Minh Châu với trữ lượng 4,9 triệu m3 cát, tiền cọc 2,8 tỉ đồng, giá khởi điểm hơn 19 tỷ đồng. Qua 21 vòng đấu giá, với mức giá đưa ra là 884 tỷ đồng, gấp 46 lần giá khởi điểm, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá, giành quyền khai thác.
Không chỉ chờ cho đến khi phiên đấu giá 3 mỏ cát này kết thúc, từng bước giá được các nhà đầu tư đưa ra trong cuộc đấu giá đã khiến dư luận và cơ quan chức năng không khỏi “choáng váng” khi số tiền đấu giá liên tục được đẩy lên cao. Kết thúc cuộc đấu giá kéo dài với “sức nóng” khủng khiếp, tổng số tiền mà các nhà đầu tư đưa ra đối với 3 mỏ cát này đã lên tới con số khó có thể tưởng tượng nổi là… gần 1.700 tỷ đồng. Nhiều người dân còn ví von cuộc đấu giá trên như là một cuộc “đấu máu” bởi sự quyết liệt hơn thua của các nhà đầu tư trong trả giá. Với mức giá này, không chỉ dư luận xôn xao mà ngay cả giới kinh doanh vật liệu xây dựng vốn dĩ sành sỏi trong đánh giá giá trị tài sản liên quan đến các mỏ cát này cũng phải “khiếp sợ”.
Trong khi dư âm về mức giá khủng khiếp của cuộc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì dư luận cả nước lại thêm một phen bàng hoàng bởi cuộc đấu giá mỏ cát trên địa bàn xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Điểm mỏ này có diện tích 6,04ha với trữ lượng được phê duyệt là 159.000m3, mức giá khởi điểm là 1,2 tỷ đồng.
Ghi nhận trực tiếp phiên đấu giá, PV và người dân cảm nhận được sức nóng liên tục tăng lên khi mức giá được các doanh nghiệp thi nhau đẩy lên cao. Cuộc đấu giá kéo dài trong gần 1 ngày với 200 vòng đấu, các doanh nghiệp tham gia đấu giá thay phiên đưa ra những con số “trên trời”, so kè, bám đuổi nhau về giá. Sau khi trả số tiền 370 tỷ đồng tăng gấp 1.500% so với giá khởi điểm, Công ty CP MT Quảng Đà đã đánh bật được các đối thủ khác, giành quyền là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát.
Thời điểm các doanh nghiệp tham gia đấu giá thì mức giá cát trên thị trường được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3. Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì mà các công ty tham gia đấu giá liên tục trả giá cao, vượt qua hàng trăm bước giá và cuối cùng “chốt” ở mức 370 tỷ đồng. Người dân cho rằng, với mức giá này, để có lãi, các doanh nghiệp phải bán ra thị trường với giá bán hơn 2,3 triệu đồng/m3 cát, cao hơn gấp nhiều lần so với mức giá hiện tại. Và liệu với mức giá cao như vậy, doanh nghiệp có thể “đẩy” hàng được không để thu hồi vốn, có lãi hay “ném tiền qua cửa sổ”?
Giống như tại Hà Nội, cuộc đấu giá trên đã khiến chính quyền tỉnh Quảng Nam nhận thấy dấu hiệu bất thường. Trong khi lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam làm rõ những dấu hiệu bất thường này thì ngày 21/10, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, 4 mỏ khoáng sản được đưa ra đấu giá với nhiều doanh nghiệp.
Dư luận tỏ ra ngạc nhiên khi một doanh nghiệp là Công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Trọng Tín tham gia đấu giá dù chỉ có “tuổi đời” mới 19 ngày với vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng nhưng đã trúng tới 3/4 mỏ khoáng sản với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng. Người dân đặt câu hỏi, với tiềm lực tài chính trên, không hiểu doanh nghiệp sẽ huy động vốn như thế nào để hoàn tất nghĩa vụ với Nhà nước khi trả những mức giá “khủng khiếp” thâu tóm tới 3/4 mỏ khoáng sản và liệu sau cuộc đấu giá doanh nghiệp có “bỏ của chạy lấy người”?
Trao đổi với PV, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bước đầu cho thấy, về quy trình đấu giá thì không có vấn đề gì, doanh nghiệp đấu trúng với giá cao thì ngân sách Nhà nước có lợi. Tuy nhiên, việc bước giá cao bất thường và một doanh nghiệp non trẻ trong phiên đấu giá đã trúng tới 3/4 mỏ là điều không bình thường.
Những bất thường đất nối tiếp bất thường cát
Thông tin với PV, đại diện Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho biết, không chỉ những cuộc đấu giá các mỏ khoáng sản với mức giá cao đến khó tin diễn ra, trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức những cuộc đấu giá đất mà diễn biến cũng như mức giá được các doanh nghiệp đưa ra khá bất thường. Đáng chú ý, sau khi trúng đấu giá thì không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp đã bỏ cọc.
Có thể kể tới như 68 thửa đất tại huyện Thanh Oai, Hà Nội được đấu giá vào đầu tháng 8 vừa qua đã thu hút tới gần 7.000 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Sau nhiều vòng đấu căng thẳng, giá liên tục được nhà đầu tư đẩy lên cao, kết thúc, lô đất có giá trúng cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Các lô thường khác cũng có giá trúng 63 - 80 triệu đồng/m2, cao gấp 5 - 6,4 lần so với giá khởi điểm. Phiên đấu giá gây "sốt" toàn thị trường khi có giá trúng cao gấp nhiều lần khoảng giá trung bình được rao bán ở khu vực này. Có tới 80% số lô đất trúng đấu giá bị bỏ cọc. Đáng lưu ý, toàn bộ lô có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng đều bị bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, làm mất cơ hội của nhiều người có nhu cầu thực, gây bức xúc trong dư luận.
Khi “cơn địa chấn” ở Thanh Oai vẫn còn đang “bỏng rẫy” trong dư luận thì tại cuộc đấu giá đất xuyên đêm diễn ra ở huyện Hoài Đức ít ngày sau đó, kịch bản tương tự cũng xảy ra với giá đất tăng đến “chóng mặt”. Sau 19 tiếng qua nhiều vòng đấu, giá trúng cao nhất tại phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu LK03 và LK04 xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) là 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Với mức giá trên, lô đất có diện tích 113m2 nhưng tổng giá trị lên tới 15 tỷ đồng.Vài ngày sau, UBND huyện Hoài Đức thông báo tạm dừng đấu giá những khu đất này để chờ kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 21/10, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức (đơn vị tổ chức đấu giá 19 thửa đất tại xã Tiền Yên) cho biết, đã có 6 người trúng đấu giá 11 thửa nộp đầy đủ tiền sử dụng đất theo quy định. Người trúng đấu giá với mức giá cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2 cũng đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước liên quan đến lô đất trúng giá, còn lại 8 thửa đất chưa nộp tiền. Tỷ lệ này chiếm hơn 42% tổng số thửa đất trúng đấu giá. Hạn cuối cùng để người trúng hoàn thành nghĩa vụ tài chính là ngày 27/11.
Cũng theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, đầu tháng 11/2024, đơn vị sẽ đấu giá 52 lô thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất tại xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên trong hai phiên. Giá khởi điểm giữ nguyên 7,3 triệu đồng/m2 giống phiên đấu giá 19 thửa đất cuối tháng 8 - phiên ghi nhận mức trúng cao nhất lên đến trên 133 triệu đồng/m2.
Cuộc đua đấu giá đất không chỉ diễn ra ở một hay hai huyện ngoại thành mà đang có xu hướng lan nhanh ra nhiều nơi với những phiên đấu giá xuyên đêm, mức giá nhà đầu tư đưa ra liên tục tăng đến chóng mặt. Thông tin với PV, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, nếu như mức giá đấu ở Hoài Đức đang ở mức cao nhất là hơn 133 triệu đồng/m2 thì tại quận Hà Đông vừa qua con số này tăng lên gấp đôi.
Trải qua 14 vòng, phiên đấu giá 27 thửa đất ở quận Hà Đông đã kết thúc vào 23h ngày 19/10, lô trúng cao nhất thuộc khu Đống Đanh - Đồng Cộc (phường Phú Lương), mức trúng hơn 262 triệu đồng/m2 với diện tích 57,5m2, tổng là 15 tỷ đồng, gấp gần 8,2 lần so với khởi điểm. Lô trúng thấp nhất có giá gần 132,8 triệu đồng/m2. Các lô đất khác có mức giá trúng dao động từ 146,4 triệu đồng đến gần 183 triệu đồng/m2. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư bất động sản, mức này cao hơn nhiều so với mặt bằng giá đất ở các quận nội thành Hà Nội như Ba Đình, Hai Bà Trưng…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá, việc trúng đấu giá đất cao bất thường tại một số huyện ngoại thành Hà Nội thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân như giá bất động sản tăng cao, diễn ra vào thời điểm giao thoa khi các luật mới liên quan bắt đầu có hiệu lực. Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đánh giá, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không có nhu cầu ở thực. Mục đích của nhóm này là đầu cơ, đẩy giá trúng lên cao và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo với khu vực xung quanh.
Ngoài ra, một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh nên thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá thực tế, thu hút nhiều người tham gia để kiếm lời. Cùng đó, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện công khai, minh bạch, "tạo cơ hội" để các nhóm lợi dụng đầu cơ đất đai, gây lũng đoạn thị trường.
Trao đổi với PV, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) Nguyễn Đức Lập cho rằng, với việc giá bất động sản được đẩy lên quá cao sau những phiên đấu giá đất như thế này sẽ khiến thu nhập của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là tại các đô thị lớn khó theo kịp đà tăng giá của bất động sản. Không chỉ vậy, chi phí đất đai tăng cao sẽ làm cho các chi phí khác tăng, khiến sản phẩm và doanh nghiệp khó cạnh tranh hơn so với các sản phẩm nhập ngoại. Không ai khác chính người dân và doanh nghiệp sản xuất phải gánh chi phí này và là người bị thiệt hại đầu tiên, kế tới là nền kinh tế chung. (còn nữa)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá đang dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều người dân cần nhà ở thực sự thì rất khó có thể mua được trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, không ít người có tiền lại đang găm vào đất với hi vọng tìm kiếm lợi nhuận. Các doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đội lên nhiều lần đi theo kết quả đấu giá đất. Trên thực tế, có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, một số nhà đầu tư đã thực hiện việc thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/sung-sot-nhung-cuoc-dau-gia-bat-thuong-ky-1--i749783/