Kiểm soát nhập cư cứng rắn, có khả thi?

Các biện pháp kiểm soát nhập cư của Tổng thống Trump được cho cứng rắn nhất từ trước đến nay, tuy nhiên liệu những chính sách như vậy có kéo dài được lâu?

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm mạnh các cam kết trước đó của Mỹ đối với những người xin tị nạn.

Theo trang tin The Conversation, các biện pháp mới của ông Trump có phạm vi rộng. Chúng bao gồm việc đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn đến Mỹ, hủy các chuyến bay chở người tị nạn đến Mỹ, bắt giữ và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Trên thực tế, dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, các chính sách kiểm soát nhập cư đã được triển khai rộng rãi, nhưng tình hình hiện tại cho thấy ông Trump đã đưa việc kiểm soát nhập cư trở thành một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu.

 Người chờ xin tị nạn tại khu vực biên giới Mexico-Mỹ. Ảnh: AFP

Người chờ xin tị nạn tại khu vực biên giới Mexico-Mỹ. Ảnh: AFP

Các biện pháp cứng rắn

Các biện pháp kiểm soát nhập cư của ông Trump được cho cứng rắn nhất từ trước đến nay. Chúng bao gồm lệnh chặn những người nhập cư bằng "các biện pháp thích hợp", trao thêm quyền cho lực lượng an ninh. Tổng thống Mỹ cũng ký sắc lệnh giới hạn quyền công dân theo nơi sinh.

Ngoài ra, quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã trao cho các viên chức thực thi di trú và hải quan quyền trục xuất những người nhập cư vốn được phép tạm thời vào Mỹ theo một số chương trình của chính quyền ông Biden. Hoạt động này nhắm vào những người nhập cư từ Cuba, Nicaragua, Venezuela, Haiti và có thể là cả những người tị nạn Afghanistan và Ukraine.

Ngoài ra, ông Trump cũng vừa ký Đạo luật Laken-Riley. Đạo luật này yêu cầu nhà chức trách giam giữ và trục xuất những người di cư nhập cảnh trái phép và có quyền cáo buộc họ một số tội nhất định.

Bên cạnh Mỹ, nhiều nước cũng đã đưa ra các chính sách kiểm soát nhập cư cứng rắn. Hiệp ước Liên minh châu Âu về Di cư và Tị nạn năm 2024 đặt ra các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, đánh giá nhanh hơn những người xin tị nạn và trục xuất nhanh những người không đủ điều kiện vào châu Âu. Tại Anh, Thủ tướng Keir Starmer đã cam kết sẽ giảm tỉ lệ di cư ròng và sẽ xử lý những kẻ buôn người như những kẻ khủng bố.

Kiểm soát nhập cư thực sự hiệu quả?

Theo chuyên gia, chính phủ nhiều nước đưa ra các biện pháp kiểm soát nhập cư cứng rắn xuất phát từ lo ngại về số người nhập cư trên toàn thế giới không ngừng tăng. Tuy nhiên, xét riêng lẻ từng quốc gia thì điều này không hoàn toàn đúng.

Một số quốc gia như Mỹ, Đức và Colombia đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng người tị nạn và những đối tượng người nhập cư khác. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia khác, số lượng người tị nạn vẫn không thay đổi so với những thập niên trước đây.

Theo The Conversation, tỉ lệ người di cư trong tổng dân số thế giới vào năm 2020 là 3,6%. Con số này được cho là không quá cao khi vào năm 1960 tỉ lệ người di cư trong tổng dân số thế giới là hơn 3% và vào cuối những năm 1800 người di cư chiếm khoảng từ 3% đến 5% dân số toàn cầu.

Đối với người tị nạn, vào năm 2023, thế giới có khoảng 38 triệu người. Trong đó, 69% người trong số này tìm nơi tị nạn ở các nước láng giềng và 75% người trong số này tìm nơi tị nạn ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Do đó, dựa trên số liệu này, các nước giàu không phải là những quốc gia chịu gánh nặng lớn nhất về người tị nạn.

Theo The Conversation, lý do thực sự đằng sau các biện pháp kiểm soát nhập cư cứng rắn này là tình trạng thiếu nhà ở, bất bình đẳng gia tăng tại nhiều quốc gia, và tình trạng thiếu các dịch vụ công kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch COVID-19.

 Người di cư Ukraine tại biên giới Ukraine-Ba Lan vào năm 2022. Ảnh: AFP

Người di cư Ukraine tại biên giới Ukraine-Ba Lan vào năm 2022. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, GS Alan Hirsch – công tác tại ĐH Cape Town (Nam Phi) – cho rằng với 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề di cư, các biện pháp kiểm soát nhập cư khó có thể kéo dài. Điều này có thể là do 2 nguyên nhân chính.

Đầu tiên là dân số ở hầu hết các nước bắc bán cầu đang già đi nhanh chóng và tỉ lệ sinh đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Điều này đồng nghĩa với việc nếu tính theo tỉ lệ phần trăm, số lượng người già ở những nước này là tương đối lớn.

Thứ hai, với lực lượng lao động đang giảm và tỉ lệ phụ thuộc (tỉ lệ người không làm việc so với người làm việc) tăng nhanh chóng, việc đóng cửa biên giới đối với những người lao động tiềm năng từ các quốc gia khác sẽ dẫn đến mức sống bị giảm ở các nước bắc bán cầu. Điều này khiến tăng trưởng kinh tế và tốc độ thu ngân sách của chính phủ sẽ chậm lại hoặc trì trệ, làm suy yếu việc duy trì cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ xã hội.

Vẫn còn cánh cửa mở

Dù nhiều nước ban hành chính sách kiểm soát nhập cư cứng rắn nhưng không phải tất cả cánh cửa dành cho người nhập cư và tị nạn đã khép lại.

Tại Canada, chương trình dành cho người lao động nước ngoài tạm thời đã mở rộng đều đặn kể từ năm 1973, bao gồm cấp quyền những người lao động có kỹ năng thấp làm việc trong các ngành nghề như phục vụ ăn uống, chăm sóc, xây dựng và nông nghiệp. Mặc dù đang gặp một số rào cản nhưng chương trình này có khả năng vẫn sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển. Các chương trình tương tự đang nổi lên trên khắp bắc bán cầu.

Tại Liên minh châu Âu, các quan hệ đối tác về nhân tài cũng đang được khuyến khích mở rộng. Điển hình, Đức có quan hệ đối tác về nhân tài với Kenya và Morocco. Theo mối quan hệ này, Đức đào tạo nhân viên y tế và kỹ thuật viên công nghệ thông tin tại các quốc gia đối tác để họ có thể làm việc và sinh sống tại Đức.

Tây Ban Nha có nhiều quan hệ đối tác nhân tài ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi. Thủ tướng Pedro Sanchez cũng từng thẳng thắn rằng Tây Ban Nha "cần phải lựa chọn giữa việc trở thành một quốc gia cởi mở và thịnh vượng hoặc một quốc gia nghèo đói khép kín”.

Theo The Conversation, trong trường hợp vẫn thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập cư, các nước phát triển cũng cần tính toán đến các giải pháp thay thế nguồn lao động thiếu hụt. Các giải pháp này bao gồm tận dụng nguồn lực từ robot và trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc thuê nhân công làm việc từ xa.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/kiem-soat-nhap-cu-cung-ran-co-kha-thi-post832292.html