Kiểm soát quyền lực là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh khi truyền đạt chuyên đề 'Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới'.

Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khai mạc sáng nay 5/12, diễn ra trong 2,5 ngày với 4 chuyên đề.

Truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương đánh giá, qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Do đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nêu rõ những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế và đề ra quan điểm, các mục tiêu cũng như giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, đã có nhiều điểm mới được đề ra trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, Trung ương nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.

Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người đại diện cho Nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử. Cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm về Hiến pháp.

Cùng với việc tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Trung ương xác định phải tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi để tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng được đặt ra. Theo đó, đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội; gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với đơn vị bầu cử và cử tri; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn…

Ông Phan Đình Trạc cũng đề cập đến điểm nhấn nữa, là Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước” - ông Trạc nhìn nhận.

Trên tinh thần đó, Trung ương xác định quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

“Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát quyền lực chính là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực” - ông Trạc nêu quan điểm.

Vẫn theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, cần xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đảm bảo sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan, giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan cùng cấp chính quyền địa phương…

Cho rằng Luật phòng, chống tham nhũng cũng như Luật thực hành tiết kiệm đã quy định rất rõ công khai, minh bạch, hình thức, nội dung công khai minh bạch, thời điểm công khai, minh bạch, ông Trạc đánh giá, đây là nhiệm vụ rất quan trọng để kiểm soát quyền lực.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, các quyền khác của công dân theo quy định của hiến pháp, pháp luật; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng chỉ ra cần thực hiện “4 không” trong phòng, chống tham nhũng. Thứ nhất "không thể" tức là hình thành cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ để không thể tham nhũng; thứ hai là phát hiện xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để "không dám" tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để "không cần" tham nhũng, tiêu cực và xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để "không muốn" tham nhũng.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/kiem-soat-quyen-luc-la-ngan-chan-tham-nhung-tieu-cuc_140763.html