Kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018
Ngày 5/11, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức hội thảo 'Kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018' .
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương - cho biết: Luật Cạnh tranh năm 2018 có những thay đổi toàn diện về cách tiếp cận, phạm vi… phản ánh chính xác hơn bản chất kinh tế của hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ trong việc thực thi, cách lập hồ sơ, quy trình thực hiện. Vì vậy, hội thảo là dịp để giới thiệu những điểm mới về luật cạnh tranh và đưa ra hướng dẫn, quy trình thực hiện theo đúng Luật Cạnh tranh.
Tại hội thảo, đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh đã giới thiệu sơ lược về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh 9 tháng đầu năm 2020, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại hàng hóa. Đồng thời, đại diện cán bộ Cục CT&BVNTD và đại diện chuyên gia Nhật Bản thường trú tại Cục CT&BVNTD đã giới thiệu tổng quan về các quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018; các quy định kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2018 và một số vụ việc trong thời gian gần đây; một số lưu ý về thông báo tập trung kinh tế theo kinh nghiệm của Nhật Bản.
Theo ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh: Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, Luật Cạnh tranh đã tạo lập hành lang pháp lý đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về cạnh tranh tại các địa phương. Với nhiều nỗ lưc toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật cạnh tranh, tổ chức các chương trình truyền thông, phổ biến, hội nghị, đào tạo, triển khai đánh giá, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp từ cấp tỉnh tới cấp huyện. Việc thực hiện các quy định về Luật Cạnh tranh đang và sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức.
“Để luật cạnh tranh 2018 thực sự phát huy hiệu quả thì khả năng tiếp cận, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về pháp luật cạnh tranh đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh. Vì vậy, Quảng Ninh đang tiếp tục truyền thông có mục tiêu và nâng cao tính hiệu quả thiết thực của công tác tuyên truyền. Hy vọng các doanh nghiệp tham gia hội thảo có thể chia sẻ, lan tỏa các nội dung hội thảo đến cộng đồng, để việc thực thi Luật Cạnh tranh hiệu quả hơn”, ông Lê Hồng Giang chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận đưa ra những ý kiến về vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 về một số nội dung như: Nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh…
Luật Cạnh tranh năm 2018 được Quốc hội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, gồm 10 chương 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh mới được xây dựng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hiệu quả thực thi. Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng luật; mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi cạnh tranh cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam khi hành vi đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.