Kiểm soát thị trường hàng hóa dịp Tết Trung thu
Đến thời điểm này, các mặt hàng phục vụ dịp Tết Trung thu được bày bán khá đa dạng trên thị trường. Nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là những hàng hóa có sức tiêu thụ cao.
Từ hơn 1 tháng nay, các cơ sở sản xuất bánh trung thu, bánh ngọt trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu sản xuất, bày bán bánh trung thu, tuy nhiên số lượng bánh tiêu thụ ít hơn so với thời điểm cận kề dịp Tết Trung thu. Phần lớn các loại bánh năm nay được bày chủ yếu của các nhà sản xuất Kinh Đô, Hữu Nghị, KIDO… và của các cơ sở bánh truyền thống trên địa bàn tỉnh như: Minh Thu, ông Hội… So với cùng kỳ năm 2023, giá các loại bánh tăng nhẹ, dao động từ 55 - 100 nghìn đồng/chiếc. Các sản phẩm có tem nhãn, ngày sản xuất, hạn sử dụng và thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định; các cơ sở thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, chủ yếu là các sản phẩm đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân với tạo hình các con vật. Bên cạnh đó còn có nhiều mặt hàng thủ công mới lạ từ những chiếc đèn lồng được làm từ nguyên liệu đơn giản như thanh tre, hồ dán, giấy, giấy bóng kính được tạo hình đẹp mắt có gắn đèn và nhạc bên trong. Thời điểm hiện tại, các cơ sở kinh doanh chưa bày bán nhiều đồ chơi trẻ em.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Nông Minh Huấn cho biết: Để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, lành mạnh, người tiêu dùng được mua sắm, sử dụng sản phẩm an toàn trong dịp Tết Trung thu, Cục QLTT ban hành công văn chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu, tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em…
Đối với mặt hàng bánh trung thu, trong giai đoạn trước Tết Trung thu, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Sau Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch; sự phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng; kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm ATTP, việc chấp hành các quy định về công bố tiêu chuẩn, công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa và các quy định về chất lượng hàng hóa. Xử lý nghiêm các vi phạm và công khai tên các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Tổ chức ký cam kết đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chấp hành đúng các quy định của pháp luật về văn minh thương mại, về đảm bảo điều kiện ATTP, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Chị Đỗ Ngọc Diệp, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Xanh (Thành phố) cho biết: Hiện nay, nhiều người dân quan tâm đến chất lượng sản phẩm, cùng với việc tuyên truyền của các ngành chức năng, cửa hàng chúng tôi cam kết nhập những sản phẩm có uy tín, chất lượng của các hãng nổi tiếng nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP.
6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT kiểm tra 345 lượt cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn, phát hiện, xử lý 183 vụ vi phạm hành chính. Trong đó, phát hiện, xử lý 55 vụ vi phạm về giá, niêm yết giá; 35 vụ vi phạm về ATTP; 34 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 25 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu; 11 vụ vi phạm lĩnh vực y tế…, xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 1,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,3 tỷ đồng. Bán thanh lý tang vật vi phạm hành chính trị giá 539 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính trị giá 190 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật trị giá 180 triệu đồng.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/kiem-soat-thi-truong-hang-hoa-dip-tet-trung-thu-3171962.html