Kiểm soát thương mại chiến lược: Đòn bẩy tái cân bằng xuất nhập khẩu
Dự thảo Nghị định về thương mại chiến lược là một bước đi quan trọng nhằm định hình lại chính sách xuất nhập khẩu theo hướng chủ động, có định hướng...
Ngày 1/4/2025, Bộ Công Thương dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược để lấy ý kiến rộng rãi. Việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ với Báo Công Thương về sự cần thiết của Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược. Ảnh: Hồng Lực
Liên quan đến dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương:
- Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ tạo hành lang pháp lý dài hạn cho xuất nhập khẩu. Theo ông điểm đột phá lớn nhất của dự thảo này nằm ở đâu?
TS. Võ Trí Thành: Theo tôi, Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là một văn bản pháp lý rất quan trọng và được ban hành rất kịp thời. Dự thảo này cũng là mức cam kết về thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác, và doanh nghiệp xuất khẩu, cơ quan, Bộ ngành dựa vào đó để thực hiện một cách nghiêm túc những vấn đề liên quan đến chiến lược thương mại.
Việt Nam là một quốc gia đang hội nhập rất sâu rộng, thiết lập quan hệ đối tác quan trọng với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có nhiều đối tác lớn, do vậy, việc xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định là điều cần thiết. Nhưng việc dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược ra đời thời điểm này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Cái khó thứ nhất là vì trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa có một nước nào xây dựng các văn bản, nghị định tương tự để Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo.
Khó thứ hai là bởi, đây vừa là văn bản pháp lý, lại gắn liền với những vấn đề về thương mại, đầu tư nhưng cũng phù hợp với định hướng đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đó là, Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì và nhất quán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ, với WTO đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Do vậy, dự thảo Nghị định vừa thể hiện chủ trương đối ngoại, hội nhập của Việt Nam; đồng thời cũng là những cam kết liên quan đến cơ chế kiểm soát, phối hợp ngăn chặn các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ… mà phải tuân thủ các điều khoản trong WTO và các khuôn khổ hợp tác khác.
Chúng tôi kỳ vọng, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược ra đời sẽ tạo ra dòng chảy thương mại, đầu tư thuận lợi cho Việt Nam và các đối tác trên cơ sở tin cậy, minh bạch và gắn với lợi ích của các bên liên quan trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược được kỳ vọng nâng cao năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng. Ảnh: Minh Hưng
Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược nêu ra rất nhiều vấn đề, trong đó có nhiều nội dung chủ chốt và đó là những điểm đột phá của Nghị định này.
Thứ nhất, giúp nâng cao năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng.
Dòng chảy thương mại, đầu tư thường gắn liền với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và có quan hệ giao dịch, hợp tác giữa các chủ thể liên quan. Do vậy, những điều khoản trong dự thảo Nghị định sẽ giúp chúng ta xác định được những thị trường chiến lược, kiểm soát rủi ro chuỗi cung ứng hay định hướng ngành hàng chủ lực...
Chúng ta đã biết và đang chứng kiến sự dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu, giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn... đây đều là những công nghệ quan trọng, những mặt hàng chiến lược.
Chính vì vậy, dự thảo Nghị định ra đời đảm bảo rằng chúng ta có thể nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu.
Đặc biệt, việc nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Với hành lang pháp lý này, doanh nghiệp nước ngoài sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Thứ hai, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Dự thảo Nghị định kiểm soát chiến lược thương mại quy định rõ ràng phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng. Điều này giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tự động hóa có thể nắm bắt được những yêu cầu pháp lý cụ thể và thực hiện các giao dịch quốc tế một cách minh bạch và hợp pháp.
Với những điều khoản trong Nghị định, đây là bước tiến mới giúp các doanh nghiệp ý thức hơn về quyền và nghĩa vụ trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng. Điều này tạo sự đồng nhất trong quản lý và thực hiện các thủ tục, giúp bảo vệ lợi ích chung của quốc gia và doanh nghiệp.
Một điểm nổi bật nữa là Nghị định sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại. Bằng cách thúc đẩy nhập khẩu công nghệ nguồn từ các nước phát triển, chúng ta có thể giảm phụ thuộc vào hàng hóa trung gian. Đồng thời nâng cao giá trị xuất khẩu nhờ ứng dụng công nghệ mới.
- 3 tháng đầu năm, chúng ta đón nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng đang đối mặt với những rủi ro lớn về thâm hụt thương mại với một số đối tác quan trọng. Chưa kể, Việt Nam hiện đã ký 17 FTA, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn thấp. Liệu Dự thảo nghị định có đủ sức khắc phục thực trạng “hội nhập trên giấy” và hướng tới cân bằng thương mại với các đối tác?
TS. Võ Trí Thành: Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là một phần quan trọng trong nỗ lực tổng thể của Việt Nam trong việc ứng xử thương mại, đầu tư với các đối lớn, quan trọng của Việt Nam. Và cũng là một thông điệp gửi đến các đối tác thương mại đó là: Việt Nam tiếp tục hội nhập nhưng hội nhập có trách nhiệm dựa trên những nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, phù hợp và hài hòa lợi ích giữa các bên.

Dự thảo Nghị định về thương mại chiến lược là cơ hội để định hình lại chính sách xuất nhập khẩu quốc gia theo hướng chủ động, có định hướng và giảm lệ thuộc. Ảnh: Ngọc Hưng
Ở đây, trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu là buộc phải minh bạch dữ liệu từ nguồn gốc hàng hóa đến giao dịch thương mại... Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong điều phối thương mại, từ cấp chiến lược đến thực thi... vì vậy, có thể nói, dự thảo Nghị định về thương mại chiến lược là một bước đi quan trọng để chúng ta định hình lại chính sách xuất nhập khẩu quốc gia theo hướng chủ động, có định hướng và giảm lệ thuộc.
Tôi nhắc lại, Việt Nam đang hội nhập vô cùng sâu rộng. Chúng ta có tới 17 hiệp định thương mại tự do, trở thành một trong những nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất. Chúng ta đang tận dụng tương đối tốt những FTA đó, tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa bị bỏ trống. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định cũng sẽ là một cơ hội để Việt Nam nhìn lại mình: Chúng ta đang xuất gì - nhập gì, với ai và tại sao mất cân đối? Làm sao để thương mại không chỉ tăng trưởng mà còn bền vững, cân bằng, hài hòa lợi ích...
Chúng tôi tin rằng, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ trả lời, giải được những bài toán trên để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, trong đó có cả Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu (EU).
- Từ góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông cần làm gì để nghị định thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp?
TS. Võ Trí Thành: Theo tôi, cần lắng nghe đầy đủ ý kiến từ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu, và đặc biệt là cơ quan thực thi tại địa phương, bởi chính họ là những đối tượng, chủ thể trực tiếp thực thi Nghị định này.
Chúng ta đã có nhiều bộ chỉ số đo lường, nên chăng, cũng cần xây dựng bộ chỉ số về thương mại chiến lược. Ở đó đo lường mức độ cân bằng cán cân thương mại theo khu vực, đối tác, đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp với chính sách… Việc công bố minh bạch các chỉ số này sẽ thúc đẩy cải cách, tạo áp lực tích cực lên bộ máy thực thi chính sách.
- Xin cảm ơn ông!
Ngày 1/4/2025, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi.
Dự thảo quy định hàng hóa lưỡng dụng là các mặt hàng, phần mềm và công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự hoặc liên quan đến phát triển, sản xuất, xử lý, vận hành, bảo trì, lưu trữ, phát hiện, nhận dạng hoặc phát tán vũ khí hủy diệt hàng loạt hay phương tiện vận chuyển của chúng.
Vũ khí hủy diệt hàng loạt: là loại vũ khí có khả năng gây cho đối phương tổn thất rất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở kinh tế, quốc phòng, môi trường sinh thái, có tác động mạnh đến tâm lý-tinh thần. Vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và vũ khí phóng xạ và bất kỳ loại vũ khí nào được chế tạo trong tương lai có tác động phá hủy tương đương.