Kiếm 'tán gái' Shotel
Khám phá khảo cổ chỉ ra, Shotel có mặt từ muộn nhất là thế kỷ X trước Công nguyên, trong nền văn minh Damotian.

Shotel đặc trưng bởi lưỡi hình bán nguyệt. Ảnh: Ancient-origins.net
Trước khi có súng đạn, kiếm là vũ khí đáng sợ nhất trên chiến trường nhưng ở Ethiopia (quốc gia Đông Phi) lại xuất hiện loại kiếm chỉ để… gây ấn tượng với phái nữ. Nó vô dụng trong chiến đấu đến nỗi người ngoài cuộc phải chê bai là “không đời nào lại thuộc về kiếm sĩ” nhưng bắt mắt đến nỗi không thể không nhìn lại lần nữa.
Vũ khí quân sự
Shotel là một trong các loại kiếm cong như kiếm Hussar quân (Hungary) và kiếm shamshir của Ba Tư nhưng khác biệt ở độ cong cực lớn, đến mức gần như hình bán nguyệt. Nó có chiều dài khoảng 1m, được mài sơ cả 2 cạnh, có bao sừng (gỗ, da); trang trí bằng kim loại, đá quý và đeo ở hông bên phải.
Khám phá khảo cổ chỉ ra, Shotel có mặt từ muộn nhất là thế kỷ X trước Công nguyên, trong nền văn minh Damotian. Có rất ít tư liệu về nền văn minh này, chỉ biết nó xuất hiện và tồn tại trong khoảng năm 980 - 400 TCN, nằm ở phía Tây của Ethiopia và được gọi là Vương quốc Dʿmt.
Theo các nhà sử học, Vương quốc Dʿmt chịu ảnh hưởng từ người Sabaean (Biển Đỏ), phát triển nông nghiệp và thủy lợi, biết sử dụng cày để bừa đất, trồng kê và chế tác các công cụ cũng như vũ khí bằng sắt. Shotel là một trong các vũ khí bằng sắt của họ, được trang bị cho cả bộ binh lẫn kỵ binh. Chiến binh Shotel khét tiếng hung dữ và tàn bạo, được gọi bằng tên địa phương là Meshenitai.
Ngoài Vương quốc Dʿmt, châu Phi còn một vương quốc khác cũng dùng kiếm Shotel là Đế quốc Axumite. Họ sống ở vùng đất mà ngày nay là Eritrea, đất nước giáp ranh với Ethiopia và vùng Tigray của Ethiopia trong khoảng năm 100 - 940 sau Công nguyên.
Đội quân Shotel lừng danh nhất lịch sử Ethiopia là Axurarat Shotelai. Họ do Amda Seyon I (1314 - 1344), hoàng đế sáng lập Vương triều Solomon thành lập, bao gồm những tinh binh xuất sắc và thiện chiến nhất, không chỉ bảo vệ nhà vua, mà còn mang về những chiến công quân sự trọng đại, quyết định sự tồn vong của vương triều. Nhờ Axurarat Shotelai, Amda Seyon I thành công chinh phục nhiều vùng lãnh thổ và truyền bá Cơ Đốc giáo rộng khắp.

Phụ kiện bắt mắt
Trong tư cách vũ khí quân sự, Shotel dĩ nhiên là kiếm tấn công. Đòn chính của nó là móc rồi giật như liềm, đặc biệt hiệu quả trong việc hạ kỵ binh vì có thể giật ngã khỏi ngựa. Còn đòn phụ của nó là chém, vì chỉ hiệu quả nhất khi bổ thẳng xuống đầu địch nhân.
Tuy nhiên, khác với vẻ ngoài đáng sợ và hứa hẹn ra đòn tất sát, Shotel gần như vô dụng trên chiến trường. Thứ nhất, thiết kế của nó quá cồng kềnh, lưỡi thì lớn mà chuôi lại nhỏ nên ảnh hưởng đến việc cầm và tấn công chính xác. Thứ 2, độ cong quá lớn của nó khiến việc rút ra khỏi bao quá đỗi khó khăn.
Thực tế, bao kiếm Shotel luôn phải dài hơn lưỡi kiếm khoảng 30cm để phục vụ cho việc thuận tiện tra lưỡi vào vỏ. Dù vậy, việc tra lưỡi kiếm Shotel vào vỏ vẫn rất khó, đòi hỏi cả sự khéo léo lẫn thời gian. Rút kiếm Shotel ra khỏi vỏ lại càng gian nan hơn.
Trong hoàn cảnh chiến trận, nếu Shotel không được rút sẵn ra khỏi vỏ thì binh sĩ Shotel nhiều khả năng phải bỏ mạng trước địch nhân vì không kịp rút kiếm. Tuy họ có thể khắc phục điều này bằng cách rút kiếm sẵn, nhưng lại gặp bất tiện vì phải cầm kiếm quá lâu.

Một quý tộc ở Ethiopia thế kỷ XIX bảnh bao với kiếm Shotel. Ảnh: Ancient-origins.net
Thế kỷ XV, các thám hiểm gia phương Tây phát hiện châu Phi. Theo ghi nhận của họ, Shotel là thanh kiếm vô cùng bất tiện, một số người thậm chí còn chê bai “thanh kiếm như vậy không đời nào lại thuộc về một chủng tộc kiếm sĩ”.
Ấn tượng là không chỉ người ngoài cuộc mà chính Ethiopia cũng công nhận Shotel gần như không có tác dụng gì trong chiến đấu. Thế nhưng, bất chấp kiếm thẳng phổ biến khắp nơi nhờ giao thương và học hỏi kỹ thuật chế tác, Shotel vẫn tiếp tục nằm trên hông phải của binh lính Ethiopia cho đến tận thế kỷ XIX.
“Với tổ tiên chúng tôi, Shotel là phụ kiện chứ không phải vũ khí tấn công”, người Ethiopia giải thích. Vì là phụ kiện, nó chỉ cần bắt mắt và xinh đẹp. Hình dáng bán nguyệt và độ dài của Shotel đáp ứng điều kiện bắt mắt còn trang trí kiếm Shotel thì đáp ứng điều kiện xinh đẹp. Chính vì thế, chuôi kiếm Shotel mới ngắn, lưỡi chỉ được mài sơ qua nên rất cùn còn bao thì vô cùng diễm lệ với chất liệu quý, được chạm khắc, đính, đeo đồ trang trí.
Trong tư cách phụ kiện của binh sĩ nói riêng và đàn ông Ethiopia nói chung, Shotel có nhiệm vụ thu hút sự chú ý của phụ nữ và quyến rũ họ. Nó càng ấn tượng thì người đeo càng bảnh bao và dĩ nhiên là người ngắm cũng mãn nhãn.
Thế nên, dù bị kiếm thẳng áp đảo, nó vẫn sống sót thêm cả 300 năm và chắc chắn là trong thời gian này đã giúp không ít nam giới thành công tán tỉnh đối tượng kết hôn tiềm năng.
Theo ancient-origins.net
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kiem-tan-gai-shotel-post731223.html