Kiếm tiền nhà giàu: Bán rau nguyên rễ, quả để nguyên lá
Thu nhập người dân được nâng cao, nhận thức về sức khỏe ngày một sâu sắc chính là cơ hội dành cho các doanh nghiệp lĩnh vực thực phẩm chất lượng cao.
Ra đời cách khoảng 5 năm, Bách Hóa Xanh được xem là mô hình kiểu mẫu của các chuỗi thực phẩm sạch với việc được đầu tư bài bản, từ bố trí cửa hàng, đa dạng về mặt sản phẩm, cũng như hệ thống quản trị, vận hành tối ưu.
Nhờ tập trung vào mô hình “thịt tươi, cá lội”, cùng việc mở mới đúng địa điểm, liên tục nâng cấp về chất các cửa hàng hiện hữu, riêng quý III năm 2020, doanh thu toàn chuỗi Bách Hóa Xanh tăng đến 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khác với Bách Hóa Xanh, Homefarm được biết đến là chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm nhập khẩu các mặt hàng như: thịt bò, cá hồi, thủy hải sản cao cấp,... với 120 cửa hàng trên toàn quốc. Không chỉ sạch, Homefarm còn đề cao tiêu chuẩn thực phẩm nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng. Đích đến trong hai năm tới của Homefarm là đạt con số 300 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, trung bình mỗi tháng mở mới từ 5-7 cửa hàng.
Lý giải về việc thời gian gần đây các chuỗi thực phẩm liên tục tăng trưởng nóng và đạt những kết quả tích cực, ông Trần Văn Trường - đồng sáng lập và CEO Homefarm - cho biết, thực phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao đang là vấn đề được người tiêu dùng hướng đến và ngày càng quan tâm hơn.
Theo ông Trường, mỗi người sống không chỉ là “ăn no, mặc ấm” mà còn là “ăn ngon, mặc đẹp”. Nhờ đó, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu tại Homefarm đã nhanh chóng bắt nhịp được với nhu cầu tiêu dùng thông qua việc mở rộng hệ thống điểm bán, kết hợp với các kênh mua sắm hiện đại, bán hàng online trên website, các ứng dụng giao hàng tận nhà.
Ưu điểm của các chuỗi thực phẩm thế hệ mới nói chung là sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ khách hàng tối đa, sơ chế tại điểm chứ không chỉ đơn thuần là bày bán. Bên cạnh đó còn là giải pháp về bữa ăn trong các dịp đặc biệt hướng tới các gia đình trẻ, vốn không có nhiều thời gian chuẩn bị.
Về chiến lược kinh doanh, Bách Hóa Xanh hay Homefarm phối hợp nhiều kênh thông tin, online, cửa hàng, để phục vụ khách hàng theo cách tạo ra những trải nghiệm tích hợp, bất kể khách hàng đang ở đâu, lúc nào và sử dụng kênh nào.
Nhu cầu cấp thiết
Không chỉ là xu hướng, các chuỗi thực phẩm thế hệ mới đang thực sự phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dùng. Theo nghiên cứu gần đây của Nielsen, lĩnh vực sức khỏe tiếp tục đứng đầu trong các mối quan tâm của người tiêu dùng trong năm 2020, đặc biệt là vấn đề thực phẩm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên, nhu cầu về đời sống cao hơn, tỷ lệ dân số trẻ cao và tầng lớp trung lưu phát triển, người tiêu dùng sẽ dần hướng đến một lối sống xanh và lành mạnh.
Tất nhiên, nhu cầu thực phẩm chất lượng tăng cao cũng đòi hỏi các chuỗi liên tục nâng cấp, cải thiện chất lượng phục vụ. Như Homefarm vừa qua đã đầu tư 2 tổng kho sản xuất và phân phối tại Hà Nội và TP.HCM, đồng thời được cấp chứng nhận chuẩn quốc tế về hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn trong ngành thực phẩm, sẵn sàng cho mục tiêu 300 cửa hàng.
Thực phẩm nhập khẩu được tuyển chọn từ các nước phát triển với công nghệ từ nuôi trồng thu hoạch đến chế biến, bảo quản hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế và hoàn toàn có khả năng giữ được chất lượng, hương vị tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.
FoodHub, nền tảng cung cấp thực phẩm sạch gần đây đã gọi vốn thành công từ MP Solution. Số vốn MP Solution dành cho FoodHub lên tới hàng trăm nghìn USD được sử dụng để công ty mở rộng quy mô kinh doanh, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
DalatFoodie, startup chuyên cung cấp thực phẩm hữu cơ được đầu tư bởi Intracom Group cũng đặt mục tiêu mở rộng cộng đồng nuôi trồng, sản xuất thực phẩm hữu cơ, nâng cao nhận thức về sức khỏe, môi trường cũng như phát triển nông nghiệp.
Theo ước tính, thị trường bán lẻ thực phẩm chất lượng cao có quy mô hàng tỷ USD và còn nhiều dư địa tăng trưởng tại Việt Nam trong những năm tới. Do đó, cơ hội dành cho các chuỗi, doanh nghiệp thực phẩm thế hệ mới là rất rộng mở.