Kiếm tiền trên Tinder và mối nguy từ các clip 'không làm mà vẫn có ăn'
Thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm, nhiều người vẫn lên mạng 'dạy' giới trẻ cách làm giàu mà không cần làm việc, rao giảng về thu nhập thụ động và từ bỏ công việc truyền thống.
"Những lần mình kiếm tiền trên Tinder", "Mình leo lên vị trí này từ đâu", "Mình bịa CV để đi xin việc thế nào", "Mình không sinh ra để đi làm!!! Bạn cũng thế"... là tiêu đề của các clip trên kênh YouTube @queen.kimmie.
Nội dung của kênh này đang bị chỉ trích nặng nề vì rao giảng lối sống độc hại, từ việc hẹn hò cho đến cách kiếm tiền, làm giàu.
Trong clip "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder", nữ YouTuber lần lượt chia sẻ nhiều cách để "bỏ túi" trong những lần đi hẹn hò, từ đồ ăn được cung cấp miễn phí, vài trăm nghìn tiền di chuyển taxi hay "thù lao" viết hộ profile, cho đến vài triệu đồng tiền "phạt" đối phương đến muộn.
"Mình thực sự cảm thấy bản thân là một người rất thông thái, thông minh, từ trên trời rơi xuống. Mình rất tự hào về bản thân vì có thể xoay xở qua khoảng thời gian vài năm như vậy", người này nhấn mạnh.
Còn trong clip "Mình leo lên vị trí này từ đâu", nữ YouTuber khẳng định: "Mình nhận ra tất cả những người không thích đi làm, những người có vấn đề với sếp, những người thường xuyên bị đuổi việc, thường xuyên nghỉ việc là vì bản thân những người đấy sinh ra là để làm chủ, làm sếp".
"Không làm nhưng vẫn có ăn", "Kiếm tiền trong khi ngủ", "Làm giàu từ thu nhập thụ động" là lời chào mới phổ biến trên TikTok, YouTube và Reddit. Nếu tìm kiếm với những từ khóa này trên các nền tảng, bạn sẽ thấy rất nhiều influencer, KOL, TikToker tự nhận họ có thu nhập "khủng" hàng tháng dù không phải làm gì nhiều.
Về mặt lý thuyết, nó nghe có vẻ dễ dàng, hấp dẫn hơn một công việc ngày làm 8 tiếng truyền thống. Nhưng trên thực tế, các con số liệu có tồn tại hay chỉ được vẽ lên bởi những người thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm.
Ảo tưởng làm giàu mà không cần làm việc
Khi nói đến việc "kiếm tiền khi ngủ", "ngồi không cũng giàu" hay "làm giàu mà không cần làm việc", các chuyên gia tự xưng thường đề cập đến khái niệm "thu nhập thụ động" (passive income).
Trên TikTok, hashtag #thunhapthudong thu hút hơn 30 triệu lượt xem. Các cụm từ liên quan đến passive income đều có hàng triệu, thậm chí hàng tỷ lượt xem như #passiveincome (3,1 tỷ), #passiveincometips (395 triệu), #passiveincomeonline (104 triệu).
Trong khi thu nhập chủ động (active income) thường đến từ công việc toàn thời gian, còn thu nhập thụ động (passive income) là những khoản tiền kiếm được mà không cần bỏ ra quá nhiều công sức.
Sở thuế vụ liên bang của Mỹ (IRS) cho biết thu nhập thụ động có thể đến từ hai nguồn: tài sản cho thuê hoặc hoạt động kinh doanh mà một người không tham gia tích cực, chẳng hạn như được trả tiền bản quyền sách hoặc cổ tức bằng cổ phiếu.
John Boyd, người sáng lập MDRN Wealth, công ty lập kế hoạch tài chính ở Arizona (Mỹ), cho biết: "Chúng ta đang sống trong nền văn hóa bị ám ảnh bởi thu nhập thụ động".
Theo ông, mối bận tâm về việc kiếm tiền một cách dễ dàng này được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư ở độ tuổi từ cuối 20 đến đầu 40, những người không ở trong tình trạng tài chính thuận lợi như cha mẹ của mình trước đây và đang tìm kiếm những cách đơn giản để bắt kịp.
Nhưng đầu tư vài nghìn USD để mua một chiếc máy bán hàng tự động chỉ có thể tạo ra vài trăm USD/tháng, hoặc vay thế chấp 10 năm để mua một tài sản cho thuê không phải là cách tốt nhất tạo ra sự giàu có lâu dài, Boyd nói.
Những clip của các influencer chỉ đang khiến mọi người hiểu sai và nảy sinh ảo tưởng với thu nhập thụ động.
Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số của Mỹ, trong khi nhiều người tuyên bố đang có các nguồn thu nhập thụ động, đặc biệt là trên mạng xã hội, thì chỉ có 20% hộ gia đình Mỹ kiếm được tiền theo cách này - thông qua cổ tức, tiền lãi hoặc tài sản cho thuê.
Và thu nhập thụ động trung bình của các hộ gia đình đó là 4.200 USD/năm. Nên hàng nghìn clip tuyên bố kiếm được 27.000 USD/tuần, 500 USD/ngày thông qua các nguồn thu thụ động là không thỏa đáng.
Rũ bỏ trách nhiệm
"Make money while you sleep!" (tạm dịch: kiếm tiền khi bạn đang ngủ) đã là slogan phổ biến từ năm 1982 tại Mỹ.
Trong cuốn sách Bull: A History of the Boom and Bust, 1982-2004, nhà báo và tác giả tài chính Maggie Maher viết: "Những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số (thời kỳ "baby boom" giai đoạn 1946-1964) mơ ước được nghỉ hưu ở tuổi 50, trong khi Gen X (được sinh ra trong khoảng năm 1965 -1979) đã phải nghĩ ra phiên bản giấc mơ Mỹ của riêng họ: làm giàu mà không phải làm việc gì cả".
Phương châm đó dường như cứ trở nên phổ biến hơn sau mỗi thập kỷ. Những năm 1990, mọi người bị ám ảnh bởi cổ phiếu Internet. Đến những năm 2000, khái niệm "đầu tư lướt sóng" trong ngành bất động sản trở nên phổ biến. Sau năm 2010, từ cổ phiếu, bất động sản cho đến kiếm tiền trực tuyến đều được quan tâm.
"Make money while you sleep" bản chất không sai, nhưng đang bị thổi phồng bởi những influencer thiếu hiểu biết.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nhiều người trẻ càng ao ước có nguồn thu nhập thụ động khủng như lời quảng cáo trên mạng. Không ít lao động sẵn sàng bỏ việc và chỉ ngồi ở nhà thực hiện theo hướng dẫn của các TikToker, YouTuber.
Theo khảo sát gần đây của Insider, ít nhất 34% người dùng Internet thuộc Gen Z (sinh sau năm 1997) tin vào hướng dẫn kiếm tiền online. Trong khi đó, chỉ 24% thực sự tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính chuyên nghiệp.
Thực tế, các chuyên gia "rởm" chỉ khiến khán giả ảo tưởng về cuộc sống đủ đầy, chứ không cung cấp cái nhìn thực tế về rủi ro trong kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều người chỉ đưa lời khuyên mơ hồ, thậm chí sai lệch vì thiếu kiến thức. Điều họ quan tâm nhất là dụ dỗ người xem mua sách điện tử hoặc tham gia khóa học kiếm tiền online, thậm chí cả kênh dạy bói toán, đọc bài tarot của mình.
Nghiên cứu gần đây của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho thấy nhóm này kiếm được 1.000 USD cho "bài giảng" dài 1 phút. Khi kết hợp với ứng dụng tiền tệ, vài influencer hàng đầu dễ dàng thu về 275.000-750.000 USD/năm.
Rebecca Robertson, cố vấn tài chính, nói với Insider rằng lý thuyết "làm giàu không cần làm việc" đang phát triển mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào.
"Một influencer có thể cung cấp cho mọi người nền tảng giáo dục tốt để đưa ra quyết định tài chính tốt hơn, nhưng nhiều người trong số họ chỉ đang bán một phong cách sống sai lệch".
Hứa hẹn sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cá nhân, nhưng hầu hết người có ảnh hưởng đều không có bằng cấp hoặc các chứng chỉ chuyên môn liên quan. Bí quyết thực sự không phải là xây dựng "đế chế" tạo ra thu nhập thụ động, mà là kiếm đủ tiền mặt để thuyết phục khán giả về giấc mơ "làm giàu thật dễ dàng" không hề có thực.
Giống như nhiều infuencer khác đang rao giảng cách kiếm tiền đơn giản, YouTuber @queen.kimmie rất nhanh chối bỏ trách nhiệm của mình với người xem.
"Mình kể ra ở đây chỉ để các bạn biết mình từng sống như thế nào thôi, chứ không phải bảo các bạn đem đi áp dụng. Đừng như thế, không thì mọi người lại nói mình đi truyền bá những thứ độc hại", cô nói cuối clip "Những lần mình kiếm tiền trên Tinder".
Tuy nhiên, phần kết 10 giây này hoàn toàn không đáng kể trong clip kéo dài hơn 10 phút với toàn những ý tưởng độc hại.