Kiếm tiền từ du lịch nông nghiệp
Một số nhà vườn Đà Lạt vừa trồng rau công nghệ cao vừa mở cửa cho khách tham quan, bán hàng
UBND tỉnh Lâm Ðồng vừa ra quyết định phê duyệt Ðề án thí điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hướng đến việc khai thác tiềm năng sẵn có là nông nghiệp và kết hợp với ngành du lịch để thu hút khách, quảng bá sản phẩm địa phương.
Thu nhập hàng tỉ đồng/năm
Các điểm làm du lịch nông nghiệp (du lịch canh nông) như rau thủy canh phường 5, TP Đà Lạt; Công ty CP Sinh học Rừng Hoa; Công ty CP Chè Cầu Đất và các làng hoa Hà Đông, Vạn Thành, Thái Phiên... hằng năm đón trên 1 triệu lượt khách đến tham quan thưởng thức sản phẩm "sạch" ngay tại vườn.
"Nhờ nắm bắt được xu thế cũng như tiềm năng vốn có của Đà Lạt, chúng tôi mạnh dạn trồng rau củ quả, hoa kết hợp với mô hình cà phê để du khách đến tham quan và mua trái cây, rau tại vườn... tạo doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm, đời sống người lao động nhờ vậy khấm khá hơn" - ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang Farm (Lâm Đồng), chia sẻ.
Tương tự, với ý tưởng độc đáo, "Vườn dâu tây du lịch" của ông chủ trẻ Phan Tuấn Linh (phường 11, TP Đà Lạt) hằng ngày đón hàng trăm lượt khách tới tham quan. Từ mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm dâu tây sạch, an toàn với giá bán sỉ, Linh gom hết vốn liếng đầu tư hệ thống nhà kính rộng 1.000 m2 để trồng dâu tây giống New Zealand bằng hệ thống tưới nhỏ giọt cùng chế độ chăm sóc đặc biệt, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.
Hằng ngày, vườn dâu của gia đình anh đón 500 - 700 lượt khách vào tham quan, chụp ảnh, uống trà atisô miễn phí… Đặc biệt, trên vườn luôn có những trái dâu chín mọng cho khách thưởng thức và mua về. "Tiếng lành đồn xa", khách du lịch đến "check-in" vườn dâu ngày một nhiều hơn. Với giá bán 250.00 đồng/kg, vườn dâu mang về lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Hơn 3.000 m2 nhà kính chuyên canh tác rau hoa công nghệ cao của anh Nguyễn Định - Định Farm - cũng thu hút đông đảo khách tham quan những trái bí "khủng" nhiều màu sắc, những luống rau được trồng trên giàn, những luống cà chua đen, cà chua bi, dưa pepino vàng, pepino tím nối dài thẳng tắp. Trừ chi phí, mỗi vụ gia đình anh Định bỏ túi hơn 700 triệu đồng.
Gặp chúng tôi tại một vườn rau, anh Trần Minh Anh Vũ (25 tuổi, đến từ Đồng Nai) cho biết đây là lần đầu tiên được vào tận vườn tham quan, chụp ảnh miễn phí, được tận tay hái những quả tươi, mà còn được hướng dẫn về quy trình chăm sóc những loại cây đặc sản Đà Lạt...
Cần có chiến lược dài hơi
Tại TP Đà Lạt, 2 mô hình du lịch nông nghiệp thí điểm được xây dựng rất thành công là mô hình du lịch nông nghiệp tại khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9) và mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát (phường 11).
Khu phố Hồ Xuân Hương có truyền thống làm nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp như hoa lan, dâu tây, hoa hồng… Trong đó có HTX Sản xuất nông nghiệp Xuân Hương - chuyên trồng và cung cấp các loại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, nơi đây còn có các điểm tham quan khác và 3 điểm khai thác mở rộng là làng hoa Thái Phiên (phường 12), trang trại Công ty TNHH Trà atisô Ngọc Duy và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến... Du khách sẽ được trải nghiệm tour tham quan nhà vườn, trải nghiệm "Một ngày làm nông dân".
Trại Mát là vùng trồng rau, hoa, củ quả chủ yếu của Đà Lạt; nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 7 km. Du khách đến đây có cơ hội trải nghiệm "Một ngày với nông nghiệp công nghệ cao", tham gia các hoạt động trải nghiệm canh tác các giống hoa, rau trồng trong nhà kính, thưởng thức và mua sắm nông sản, đặc sản của địa phương…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để du lịch gắn với nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế cần có chiến lược phát triển bền vững. "Du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phần lớn còn mang tính tự phát, chưa có chiến lược phát triển lâu dài... Để mô hình này phát triển và thành công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền các cấp cơ sở; sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương; đào tạo cho người dân tham gia làm du lịch bằng việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, chuyên môn về nghiệp vụ du lịch; thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia tổ chức tour; nâng cao cơ sở hạ tầng; cơ sở vật chất kỹ thuật…" - bà Ngọc nói.