Kiếm tiền từ nỗi sợ già nua của người trẻ

Niềm khao khát 'mãi mãi tuổi thanh xuân' của thế hệ Millennials như một cơ hội sinh lời cho các thương hiệu, từ bán các sản phẩm chống lão hóa cho đến quần áo trendy.

 Nỗi sợ lão hóa của Millennials là cơ hội kiếm tiền hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Jersy/Pexels.

Nỗi sợ lão hóa của Millennials là cơ hội kiếm tiền hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Jersy/Pexels.

Thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) liên tục phải trải qua những xu hướng thời trang và văn hóa tách biệt bản thân khỏi Gen Z (sinh năm 1997-2012).

Một ví dụ điển hình cho điều này là quan điểm giữa hai thế hệ về việc đeo tất. Trên mạng xã hội TikTok, người dùng chỉ ra rằng thế hệ Millennials thường đeo tất ngắn đến mắt cá chân thay vì dài đến bắp chân như Gen Z.

Cuộc tranh luận này thực chất không chỉ bàn về tất, mà còn thể hiện thực tế không mấy dễ chịu về việc già đi. Những chiếc tất còn là lời nhắc nhở rằng sự phát triển của các phương tiện truyền thông khiến thế hệ Millennials ngày càng nhạy cảm hơn với việc lão hóa, theo Business Insider.

Nỗi sợ già sinh lời

Thực tế, xã hội đề cao tuổi trẻ và khi mọi người già đi, họ dễ bị ngó lơ hay bị xem như lạc loài và lỗi thời. Julie Erickson, nhà tâm lý học lâm sàng ở Toronto (Mỹ), đồng tác giả của cuốn sách The "Aging Well Workbook for Anxiety and Depression", cho hay nhiều định kiến về tuổi già đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người đến nỗi họ gần như nhầm chúng là sự thật.

Để giảm bớt những nỗi lo về tuổi già, nhiều người cố gắng theo kịp thời đại. Họ sẽ luôn làm mới tủ quần áo của mình, tiếp thu xu hướng mới nhất và tích trữ vô số sản phẩm chăm sóc da. Nói một cách dễ hiểu, họ đang kiên trì để có được tuổi trẻ và vẻ đẹp vĩnh cửu. Đối với các doanh nghiệp, nỗi sợ hãi này của thế hệ Millennials đại diện cho một cơ hội kiếm tiền hấp dẫn.

 Chúng ta thường không tiếc tay xuống tiền cho những cái có thể xoa dịu nỗi lo già đi của mình. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels.

Chúng ta thường không tiếc tay xuống tiền cho những cái có thể xoa dịu nỗi lo già đi của mình. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels.

Nỗi sợ về tuổi già có thể kích hoạt bản năng sinh tồn bao gồm fight (chống trả) - flight (bỏ chạy) - freeze (đóng băng) của chúng ta.

Với "chống trả", mọi người sẽ chống lại tuổi tác bằng cách mua những sản phẩm hứa hẹn giữ gìn thanh xuân. Một ví dụ điển hình nhất cho điều này có lẽ là ngành công nghiệp chống lão hóa - ngành kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm bằng việc thuyết phục mọi người có thể đạt được điều không thể: trẻ mãi không già. Về cơ bản, họ muốn nói rằng chúng ta có thể "già đi" những vẫn có thể trông trẻ trung qua cách chi tiền vào các loại kem và thuốc tiêm chống nếp nhăn.

Ngành công nghiệp làm đẹp không phải là ngành duy nhất tận dụng khát khao trẻ mãi. Khi thế hệ Millennials bước ra khỏi nhóm 18-34 tuổi được đánh giá cao trong tiếp thị, họ phải đối mặt với sự thật rằng họ không còn là người tạo ra xu hướng nữa. Thêm vào đó, những gì họ xem là bình thường giờ đây bị thế hệ trẻ cho là lỗi thời.

 Ngành công nghiệp làm đẹp kiếm được không ít tiền từ nhóm khách hàng Millennials. Ảnh minh họa: Sarah Chai/Pexels.

Ngành công nghiệp làm đẹp kiếm được không ít tiền từ nhóm khách hàng Millennials. Ảnh minh họa: Sarah Chai/Pexels.

Nhiều người thuộc thế hệ Millennials chạy theo xu hướng để trông trẻ hơn. Dù có thể không hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Gen Z, họ sẵn sàng áp dụng một số yếu tố nhất định như quần jean rộng hơn hoặc tất cao hơn để trông trẻ trung. Cám dỗ để níu kéo thanh xuân khá mạnh mẽ, đặc biệt khi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội liên tục đưa ra những lời khuyên dễ dàng để trông và cảm thấy trẻ hơn.

Claire Tassin, nhà phân tích thương mại điện tử và bán lẻ tại Morning Consult, công ty phân tích dữ liệu Mỹ, cho hay các doanh nghiệp thu lợi từ việc thế hệ Millennials cố gắng theo đuổi xu hướng của Gen Z. Điều này sẽ cho phép họ bán các sản phẩm giống nhau được cho cả hai bên.

Ảnh hưởng từ mạng xã hội

Jean Twenge, nhà tâm lý học và tác giả cuốn sách Generations: The Real Differences Between Gen Z, Millennials, Gen X, Boomers, and Silents and What They Mean for America's Future lưu ý rằng mỗi thế hệ cuối cùng đều phải đối mặt với thực tế là họ không còn là nhóm trẻ tạo ra xu hướng nữa.

Điều này đã từng xảy ra với Gen X (sinh năm 1965-1980) và Boomers (sinh năm 1946-1964) trước đây. Tuy nhiên, mạng xã hội hiện nay đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi này với thế hệ Millennials, khiến quá trình lão hóa của họ trở nên rõ ràng và nhanh chóng hơn.

 Millennials đối mặt với lão hõa một cách trực diện và công khai hơn. Ảnh minh họa: Tracy Le Blanc/Pexels.

Millennials đối mặt với lão hõa một cách trực diện và công khai hơn. Ảnh minh họa: Tracy Le Blanc/Pexels.

Các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật cho Millennials những trào lưu mới nhất của giới trẻ khiến họ khó có thể ngó lơ. Khác với các thế hệ trước mất kết nối với văn hóa người trẻ một cách từ từ, Millennials không ngừng phải đối mặt với vô số xu hướng và mốt mới nhất.

"Millennials đang ngày càng lớn tuổi. Họ còn là thế hệ đầu tiên đương đầu với vấn đề lão hóa công khai vì mạng xã hội phát triên rất mạnh mẽ", theo Valeria Penttinen, trợ lý giáo sư ngành marketing tại đại học Bắc Illinois (Mỹ).

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/kiem-tien-tu-noi-so-gia-nua-cua-nguoi-tre-post1482306.html