Kiếm tiền tỷ từ xuất khẩu... lá tre

Mua gom lá tre, loại lá cây vốn là đồ bỏ, rụng đầy trên rừng về sấy khô đem xuất khẩu, một tiểu thương ở Hà Nội 'hái' ra tiền.

Nghề hái lá tre (lá bương) ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội có từ những năm 1990. Năm 1992, bà Đinh Thị Dinh (58 tuổi, người làng Đồng Chiêm) thấy nghề này cho thu nhập cao hơn hẳn việc bán củi nên quyết định theo đuổi.

Bà Đinh Thị Dinh (58 tuổi) chủ cơ sở thu mua lá tre.

Bà Đinh Thị Dinh (58 tuổi) chủ cơ sở thu mua lá tre.

"Trước đây, người làng tôi chủ yếu kiếm sống bằng việc lên rừng đốn củi mang đi bán. Năm 1990, được một số người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam làm việc "mách nước" nên người dân trong làng mới biết lá tre có giá trị kinh tế", bà Dinh kể.

Những ngày đầu theo nghề, bà Dinh thu mua lá khô sấy sẵn rồi bán lại cho tiểu thương Đài Loan. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm bảo quản, lá bị hỏng hết.

"Bấy giờ lá tre khô không phải nhà nào cũng biết sấy. Không ít lần tôi mua về lá bị hỏng, thua lỗ. Sau đó, tôi chuyển sang thu mua lá tươi về tự sấy", bà Dinh nói.

Vào lúc chính vụ, xưởng của bà Dinh có khoảng 10 công nhân làm việc.

Vào lúc chính vụ, xưởng của bà Dinh có khoảng 10 công nhân làm việc.

Theo bà Dinh, nghề làm lá tre bận rộn nhất là từ tháng 5 đến tháng 11. Khi vào mùa mưa, những cành bương non mới đâm chồi nảy lộc, những cành lá to gần như hai bàn tay người lớn xòe ra. Khi ấy, lá xanh đậm sẽ đạt chất lượng tốt nhất.

Bà cho biết, những lá tre thu mua đều phải đảm bảo tiêu chuẩn, lá phải to, không rách và không úa vàng. Mỗi lá có chiều dài khoảng 38-40cm, rộng từ 8cm trở lên.

Bà thu mua lá tre không giới hạn số cân nặng.

Trung bình mỗi vụ, cơ sở của gia đình bà Dinh xuất bán 70-100 tấn lá, doanh thu mỗi năm ước tính vài tỷ đồng. Ở Đồng Chiêm, ngoài gia đình bà Dinh, nay có thêm 1 hộ cũng mở đại lý thu mua lá.

Bà Đinh Thị Tịnh (76 tuổi) làm việc phân loại, xếp lá thuê với mức tiền công từ 70.000-100.000 đồng/ngày.

Bà Đinh Thị Tịnh (76 tuổi) làm việc phân loại, xếp lá thuê với mức tiền công từ 70.000-100.000 đồng/ngày.

"Người Đài Loan rất chuộng loại lá này, họ dùng để gói bánh truyền thống. Nghe nói lá này giữ được mùi thơm tự nhiên lại đảm bảo sạch sẽ, hữu cơ. Giờ có bao nhiêu lá phía Đài Loan cũng mua, có đợt họ đặt hàng hẳn 1 xe container mà cơ sở không có đủ để bán", bà Dinh nói.

Vào lúc chính vụ, xưởng của bà Dinh có khoảng 10 công nhân làm việc, với mức thu nhập từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày. Buôn bán có lãi, thế nhưng bà Dinh cũng tỏ ra lo lắng khi trong làng còn rất ít người đi hái lá. Bà tiếc lắm vì mặt hàng này không bao giờ "ế".

30 năm qua, lá tre (hay còn gọi là lá bương) là một mặt hàng xuất khẩu đi Đài Loan mà không bao giờ "ế".

30 năm qua, lá tre (hay còn gọi là lá bương) là một mặt hàng xuất khẩu đi Đài Loan mà không bao giờ "ế".

"Giờ có bao nhiêu, thương lái nước ngoài mua cả nhưng giờ không còn mấy người làm nghề hái lá nữa. Nếu có sẵn lá để thu hoạch thì thợ hái lá không giàu nhưng kiếm tiền cũng đủ trang trải cuộc sống. Ngoài ra, diện tích cây tre dần thu hẹp lại, công việc lại rất vất vả, trèo đèo, lội suối nên nhiều người bỏ nghề", bà Dinh chia sẻ.

Hiện mỗi ngày bà Dinh chỉ thu được vài chục kg lá của những người trong làng đi hái. Để đáp ứng nhu cầu của thương lái, bà phải đi hàng trăm km đến các tỉnh lân cận để thu mua.

14h, khi bao tải đã đầy lá tre, bà Vũ Thị Thanh (69 tuổi) cõng lên lưng, đi bộ hơn 3km xuống núi. 16h về tới nhà, bà nhúng nước cho lá tươi, sau đó bỏ lên xe mang ra điểm thu mua, giá lá dao động từ 12.000-14.000 đồng/kg, tùy chất lượng lá.

Từ 5h sáng đến chiều, bà Thanh thu nhập hơn 200.000 đồng từ 20kg lá tre hái được.

Từ 5h sáng đến chiều, bà Thanh thu nhập hơn 200.000 đồng từ 20kg lá tre hái được.

"Tôi đi từ 5h sáng đến giờ mới hái được 20kg lá tươi, giờ lá ngày một ít đi với sức mình chỉ được có thế nên đầy bao tải là về. Hôm nay tổng thu được 240.000 đồng", bà Thanh phấn khởi.

Mang lại thu nhập, nhưng người hái lá tre như bà Thanh cũng phải đánh đổi nhiều. Ngoài những lần đụng phải rắn, rết trên rừng, nguy hiểm nhất là khi vận chuyển bao tải lá nặng hơn trọng lượng cơ thể, từ trong rừng về nhà.

"Trong làng giờ chỉ còn người trung tuổi với người già đi hái lá. Một tuần tôi chỉ cố gắng đi được 4 ngày, mấy ngày còn lại nghỉ lấy sức. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè này vác nặng mất sức lắm", bà Thanh nói.

Theo Sơn Nguyễn/Dân trí

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/kiem-tien-ty-tu-xuat-khau-la-tre-1884138.html