Kiểm toán cảnh báo về các khoản trích lập dự phòng và giá vốn cho thuê đất của Khu Công nghiệp Hiệp Phước (HPI)
Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước (HPI) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 29,5 tỷ đồng, tăng 11,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kiểm toán từ Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã lưu ý về ba vấn đề quan trọng, bao gồm các khoản trích lập dự phòng đối với đầu tư vào Khu kỹ nghệ Việt Nhật, trích trước giá vốn cho thuê đất, và thanh lý hợp đồng liên quan đến hoạt động cho thuê đất.
Kiểm toán lưu ý 3 vấn đề của HIPC
CTCP Khu Công nghiệp Hiệp Phước (mã HPI) vừa công bố Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của HPI đạt 29,5 tỷ đồng (+11,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. HIPC cho biết:
Tổng doanh thu giảm 48 tỷ đồng (giảm 74%) so với cùng kỳ: doanh thu hoạt động cho thuê lại đất tăng hơn 2 tỷ đồng tương đương tăng 76% do năm 2024 HIPC phát sinh khoản phó quản lý hợp đồng của một số công ty trong khu công nghiệp; bên cạnh đó HIPC ghi nhận khoản trừ doanh thu liên quan đến thanh lý một số hợp đồng cho thuê đất giá trị 44,9 tỷ đồng.
Doanh thu khác tăng nhẹ không đáng kể, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác giảm lần lượt 25% và 6%. Doanh thu hoạt động tài chính giảm chủ yếu do lãi suất giảm, trong năm có tất toán một số hợp đồng tiền gửi để thực hiện hoàn tiền thuê đất cho một số khách hàng.
Đơn vị kiểm toán Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã đưa ra 3 vấn đề lưu ý:
Như đã nêu tại mục 5.2.2 của Thuyết minh báo cáo tài chính, tại ngày 30/6/2024, HIPC đã trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư vào Công ty TNHH Khu kỹ nghệ Việt Nhật căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của Công ty TNHH Khu kỹ nghệ Việt Nhật cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023. Theo đó, số trích lập dự phòng sẽ thay đổi khi HIPC nhận được BCTC hợp nhất cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2024 của Công ty TNHH Khu kỹ nghệ Việt Nhật.
Thứ hai, Kiểm toán AFC Việt Nam lưu ý tại mục 5.15, mục 6,2 của Thuyết minh BCTC, HIPC đã trích trước giá vốn cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và chi phí hoàn thành dự án theo ngân sách đầu tư.
Trong đó bao gồm trích trước tiền thuê đất trị giá là 1.168,6 tỷ đồng được xác định trên đơn giá thuê tạm tính là 1,76 triệu đồng/m2 theo hồ sơ thẩm định phương án giá đất đã được Sở Tài nguyên và Môi trường đệ trình lên Hội đồng thẩm định giá đất TP. Hồ Chí Minh ngày 22/8/2019, để ghi nhận giá vốn của hoạt động cho thuê lại đất và nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước. Vào ngày lập báo cáo tài chính, Công ty vẫn đang trong quá trình làm việc với cơ quan thẩm quyền của TP.HCM để xác định đơn giá thuê chính thức. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyuệt đơn giá thuê đất chính thức, Công ty sẽ điều chính giá vốn và cập nhật các số liệu liên quan tương ứng tại thời điểm ban hành.
Như đã nêu tại mục 6.1 và 6.2 và 8.3 của thuyết minh báo cáo tài chính, Công ty đã thanh lý 4 hợp đồng liên quan đến hoạt động cho thuê đất và ghi nhận các ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc 30/6/2024. Theo đó, Công ty đã ghi nhận một khoản hàng bán bị trả lại và giảm giá vốn hàng bán tương ứng với số tiền lần lượt là 27,3 tỷ đồng và 35,4 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh trong kỳ.
Tính tới cuối tháng 6/2024, HIPC có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó có 2 cổ đông lớn gồm CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc nắm 33% vốn và Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận nắm 41% vốn.
CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, ban đầu mang tên Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tuấn Lộc, được thành lập vào năm 2005. Đến năm 2008, doanh nghiệp này đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, với hoạt động chính tập trung vào xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, hệ thống cung cấp nước sạch và sản xuất bê tông cốt thép.
Theo cập nhật gần đây, vốn điều lệ của Tuấn Lộc đã tăng lên mức 4.330 tỷ đồng, tuy nhiên, thông tin về cơ cấu cổ đông vẫn chưa được công bố.
Tuấn Lộc không phải là một cái tên xa lạ trên thị trường chứng khoán, thường xuyên đầu tư vào các doanh nghiệp với giá trị cổ phần lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, các thương vụ mà Tuấn Lộc tham gia thường có thời gian nắm giữ cổ phần ngắn, có những thương vụ chỉ kéo dài trong một tháng, và thường đưa người của mình vào ban lãnh đạo của các doanh nghiệp này.
Một trong những thương vụ nổi bật gần đây là vào tháng 12/2022, Tuấn Lộc đã bán 18,3 triệu cổ phiếu, tương đương 17,17% vốn, tại CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (HOSE: VPD), thông qua giao dịch thỏa thuận, thu về gần 540 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Tuấn Lộc đã thoái vốn gần 4,6 triệu cổ phiếu của CTCP Cảng Nghệ Tĩnh (HNX: NAP). Thời điểm này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên HĐQT của NAP, cũng đồng thời là Phó Tổng Giám đốc của Tuấn Lộc.
Vào giữa năm 2021, công ty đã bán thỏa thuận hơn 20,8 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1), trong khi ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên HĐQT của CC1, là người đại diện phần vốn của Tuấn Lộc tại doanh nghiệp này.
Cũng vào cuối năm 2020, Tuấn Lộc đã bán 4,5 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII), thu về 70 tỷ đồng lợi nhuận chỉ sau một tháng đầu tư.
Ông Bùi Thái Hà hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Trong năm 2019, Tuấn Lộc cùng liên doanh với CTCP Đầu tư Cầu đường CII và CTCP Đầu tư Xây dựng B.M.T đã tham gia dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, có tổng mức đầu tư gần 12.7 ngàn tỷ đồng. Dự án này bao gồm vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và vốn BOT từ các ngân hàng thương mại.
Vào năm 2016, Tuấn Lộc hợp tác với một số doanh nghiệp khác trong dự án trục đường Bắc - Nam và khu đô thị Hiệp Phước theo hình thức đối tác công tư (PPP), và cũng tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng như cầu Cổ Chiên, dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới, và nhiều dự án khác trên khắp cả nước.
Ngoài ra, Tuấn Lộc còn đầu tư xây dựng bến số 5 và số 6 thuộc bến cảng Cửa Lò tại Nghệ An, với tổng mức đầu tư lên tới 650 tỷ đồng.