Kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững
Thế giới đã và đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, buộc tất cả các nước phải hành động mạnh mẽ để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Chung sức cùng cộng đồng, Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã đẩy mạnh kiểm toán môi trường (KTMT) để giám sát, đánh giá và nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường. Không nằm ngoài xu thế này, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, củng cố năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò của KTMT.
Bài 1: Môi trường - lĩnh vực trọng tâm của các cơ quan kiểm toán
Gia tăng số lượng và quy mô các cuộc kiểm toán
Theo khảo sát lần thứ 11 vừa được công bố gần đây của Nhóm công tác về KTMT (WGEA) thuộc INTOSAI, biến đổi khí hậu là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan kiểm toán (SAI). Trong giai đoạn 2021-2023, các chủ đề kiểm toán phổ biến nhất là thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, chất thải đô thị, chất thải rắn và không nguy hại, lâm nghiệp và tài nguyên gỗ, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Trung bình, các SAI đã thực hiện 10 cuộc KTMT trong giai đoạn 2021-2023, tuy nhiên, tùy thuộc vào quy mô của SAI, số lượng cuộc KTMT được thực hiện giữa các SAI dao động từ 1-147 cuộc kiểm toán. Có tới 70% SAI tham gia khảo sát cho biết họ đánh giá thường xuyên hiệu suất của các chính sách và chương trình về môi trường mà Chính phủ đang triển khai. Ngoài ra, hơn 70% SAI thường xuyên đánh giá việc tuân thủ luật pháp và chính sách môi trường trong quá trình KTMT.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn phải thực hiện bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Nhận thức được điều này, SAI Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán môi trường tại các địa phương, ghi nhận những kết quả nổi bật và đưa ra đánh giá, kiến nghị quan trọng.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung
Cũng theo khảo sát, cách phổ biến nhất để công khai kết quả kiểm toán là SAI công khai báo cáo kiểm toán đầy đủ trên web (81% SAI); hơn 50% gửi thông cáo báo chí, gửi bản in của báo cáo, đăng tải tóm tắt báo cáo kiểm toán. Để đo lường tác động của các khuyến nghị kiểm toán, các SAI giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó bao gồm cả việc giám sát các phản ứng của Chính phủ đối với kiến nghị kiểm toán. Kết quả cho thấy, 40% SAI đánh giá các kết luận, kiến nghị kiểm toán có tác động lớn đến việc thực thi luật pháp và cải thiện hoạt động của các chương trình/ chính sách về môi trường.
Khảo sát của WGEA cũng đã đề cập đến triển vọng phát triển KTMT trong tương lai. Theo đó, các SAI sẽ tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đào tạo về KTMT. 27% SAI lựa chọn việc sử dụng nhiều hơn trí tuệ nhân tạo để phát triển KTMT trong giai đoạn 2024-2026. Đặc biệt, 68% SAI xác nhận đã hợp tác với một SAI khác, tham gia hợp tác với EUROSAI và INTOSAI WGEA để chia sẻ kinh nghiệm và tiến hành kiểm toán xuyên quốc gia..
Các chủ đề hàng đầu được đưa vào kế hoạch kiểm toán giai đoạn 2024-2026 là biến đổi khí hậu, các khu bảo tồn và công viên tự nhiên, quản lý nguồn nước và quản lý lưu vực sông, năng lượng tái tạo, chất thải (chất thải đô thị, chất thải rắn chất thải không nguy hại). Bất chấp các rào cản liên quan đến dữ liệu, kỹ năng, trình độ chuyên môn và nhân lực, 60% SAI dự kiến gia tăng số lượng và quy mô các cuộc KTMT đến năm 2026 (40% SAI còn lại giữ nguyên số lượng). Các SAI còn tăng số lượng kiểm toán viên môi trường (27% SAI) hoặc nỗ lực để không giảm kiểm toán viên môi trường (50% SAI). Với một số SAI không có kiểm toán viên môi trường chuyên trách, họ khuyến khích tất cả các kiểm toán viên tham gia KTMT.
Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, năng lực quản lý mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ hiện đại, và vai trò kiểm toán môi trường được đẩy mạnh là những yếu tố nền tảng giúp các quốc gia tiến tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Thực hiện kiến nghị kiểm toán đem lại kết quả tích cực cho môi trường
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng như những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt, các SAI đều nỗ lực triển khai KTMT. Các kiến nghị kiểm toán tập trung vào việc chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách chưa nhất quán, chưa phù hợp với thực tiễn; nâng cao tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan chức năng khi thực hiện các chính sách về môi trường.
Theo SAI Malta, các phát hiện của cuộc kiểm toán hiệu suất quản lý chất thải nhựa (năm 2021) đã được thảo luận kỹ lưỡng, và các đơn vị chịu trách nhiệm đã thành lập một ủy ban để thực hiện tất cả các khuyến nghị kiểm toán. Kết quả đánh giá việc thực hiện kiến nghị kiểm toán được thực hiện năm 2024 cho thấy, các khuyến nghị đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực về môi trường cũng như kinh tế - xã hội.
Tương tự, SAI Croatia đã tiến hành một cuộc kiểm toán quản lý chất thải đô thị (năm 2021, 2022) với hơn 20 kiểm toán viên nhà nước tham gia và 23 tổ chức được kiểm toán. Sản phẩm cuối cùng của cuộc kiểm toán là 22 báo cáo kiểm toán, 307 khuyến nghị. Các báo cáo này đều được trình bày và thảo luận trước Quốc hội, tất cả khuyến nghị đã được 23 tổ chức được kiểm toán tiếp nhận và thực hiện, đem lại những cải thiện rõ nét về môi trường và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Tại Malaysia, cơ quan kiểm toán đã thực hiện kiểm toán quản lý nguồn nước và phát hiện có 140 dự án bị trì hoãn, vượt quá thời gian theo tiến độ đã đề ra, gây thiệt hại 4,753 tỷ ringgit Malaysia. Bên cạnh đó, SAI Malaysia cũng phát hiện ô nhiễm nước nghiêm trọng do nước thải của chính các nhà máy xử lý nước thải... Từ những phát hiện quan trọng, SAI Malaysia kiến nghị cần tăng cường giám sát việc hoàn thành và phát triển dự án nước; đồng thời, cải thiện việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm và các thông số xử lý một cách hiệu quả hơn...
Từ năm 2015 đến năm 2023, SAI Việt Nam đã tiến hành 12 cuộc kiểm toán toàn diện về các vấn đề môi trường, bao gồm quản lý và bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề, quản lý chất thải y tế, chất thải nhập khẩu, quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long...
Ngoài ra, còn có trên 30 cuộc kiểm toán chuyên đề khác lồng ghép nội dung về môi trường. Thông qua các cuộc KTMT, SAI Việt Nam đã đề xuất nghiên cứu, xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá khách quan, cung cấp thông tin khách quan, toàn diện và đề xuất các khuyến nghị phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý.
Gần đây nhất, SAI Việt Nam đã tiến hành kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn Thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) giai đoạn 2019-2021. Đến năm 2023, cuộc kiểm toán mở rộng quy mô đến các cụm công nghiệp và làng nghề của các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2022. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong chính sách, quản lý, bảo vệ môi trường, từ đó, Đoàn kiểm toán đã có nhiều kiến nghị về cập nhật và bổ sung kịp thời quy định pháp luật; nâng cao năng lực quản lý tại các địa phương; áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý môi trường.../.