Kiểm toán Nhà nước: Chặng đường 30 năm tạo dựng niềm tin, uy tín và vị thế

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề 'KTNN - 30 năm xây dựng và phát triển'. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Đặng Văn Thanh; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng…

Cách đây 30 năm, KTNN được thành lập theo Nghị định 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Sự ra đời của KTNN là một tất yếu khách quan khi nền kinh tế nước ta bắt đầu chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể hiện tầm nhìn xa có ý nghĩa lịch sử và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thiết lập trật tự, kỷ cương và minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực quốc gia nói chung và tài chính công, tài sản công nói riêng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, sự ra đời của KTNN là một tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo

Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng vào những năm 1990, công tác quản lý tài chính ngân sách của đất nước có nhiều thay đổi, thích ứng với công cuộc đổi mới, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước và đặc biệt thích ứng với các thông lệ quốc tế, chúng ta đã được chứng kiến sự ra đời của luật Ngân sách nhà nước, các luật về thuế, luật về KTNN, sự ra đời của các tổ chức chuyên biệt trong ngành tài chính như kho bạc, thuế, hải quan và đặc biệt là KTNN.

Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tập thể lãnh đạo KTNN, công chức, viên chức và người lao động của KTNN đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Từ một cơ quan “giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp”, địa vị pháp lý là cơ quan thuộc Chính phủ, khuôn khổ pháp lý hoạt động là Nghị định của Chính phủ, KTNN đã vươn lên trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Địa vị pháp lý được hiến định tại Hiến pháp 2013; hoạt động theo Luật KTNN. Chúng ta đã có một bước tiến rất lớn trong việc xác định địa vị pháp lý cũng như chức năng, vai trò của KTNN.

 Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Xuyên suốt 30 năm qua, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên. KTNN ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…

Kết quả kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém; kết quả kiểm toán cũng phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạt động của KTNN cũng đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, 30 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực, tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, KTNN đã đạt được những thành tựu to lớn, luôn giữ vững giá trị cốt lõi của mình và khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị của quốc gia. Uy tín, vị thế của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế và các nước cũng ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Trân trọng cảm ơn sự có mặt của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu đã đến dự Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, đây là dịp để ngành KTNN qua mỗi thế hệ cùng quý vị đại biểu, các vị khách quý sẻ chia, tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, những thành tựu trên con đường phát triển của KTNN trong 30 năm qua. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về truyền thống vẻ vang của KTNN, để thế hệ hôm nay tiếp tục vững bước phấn đấu, đưa ngành KTNN ngày một phát triển trên chặng đường tới.

 Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. KTNN đã chú trọng kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu đáng tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia ý kiến một cách có trách nhiệm và thiết thực giúp Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm. Kết quả kiểm toán hằng năm của KTNN còn giúp cho cho hoạt động giám sát của Quốc hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện những bất cập của cơ chế chính sách, từ đó đưa ra ý kiến giúp Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính công, tài sản công; quyết định các chính sách kinh tế, tài chính quan trọng của quốc gia.

Để Hội thảo thành công và chất lượng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, nhiều nguồn tư liệu để góp phần làm sâu sắc thêm những nét riêng, độc đáo, ấn tượng sâu sắc trong quá trình xây dựng và phát triển của KTNN và những bài học kinh nghiệm qua 30 năm xây dựng và phát triển.

Đồng thời, trao đổi, đề xuất những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát triển KTNN để khẳng định vai trò, vị thế là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

Hội thảo “KTNN - 30 năm xây dựng và phát triển” được tổ chức thành 2 phiên với 4 tọa đàm. Cụ thể, phiên thứ nhất có chủ đề “Hành trình 30 năm hình thành và phát triển của KTNN” với các tọa đàm “Những dấu ấn trong hình thành hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán nhà nước”, “Những mốc son tự hào trong xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy, quy định chuyên môn” cùng với video clip “Hành trình 30 năm Kiểm toán nhà nước”; phiên thứ hai có chủ đề “KTNN – Vững bước hiện tại, tiến bước tương lai” với các tọa đàm “Kiểm toán nhà nước: Những dấu ấn hôm nay”, “Kỳ vọng và định hướng tương lai đáp ứng yêu cầu đổi mới” và một số tham luận liên quan.

A. Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chang-duong-30-nam-tao-dung-niem-tin-uy-tin-va-vi-the-post302174.html