Chương trình là yêu cầu cấp bách, khách quan và xuất phát từ thực tiễn

Tham gia thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang) trong phiên họp chiều nay, 8.11, các ĐBQH tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 để tiếp nối và phát huy các kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt với hành vi buôn bán ma túy là tội phạm gốc, nên việc phòng, chống ma túy thành công cũng sẽ giúp kiềm chế gia tăng tội phạm nói chung.

 Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Lâm Hiển

Phòng, chống ma túy thành công giúp kiềm chế gia tăng tội phạm

Đa số ý kiến tại Tổ 5 tán thành với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 để tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai.

Theo ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), tình hình buôn bán ma túy và tội phạm về ma túy thời gian qua diễn biến phức tạp, dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, chuyên án... đấu tranh với loại tội phạm này.

Mặt khác, hành vi buôn bán ma túy là tội phạm gốc, tội phạm nguồn, từ sử dụng, buôn bán ma túy sinh ra nhiều loại tội phạm khác. Lưu ý đặc điểm này, đại biểu Nguyễn Danh Tú nhấn mạnh, thực hiện phòng, chống ma túy thành công sẽ góp phần phòng, chống và kiềm chế sự gia tăng tội phạm nói chung.

 ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Thực tế cho thấy, việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 đã đạt những kết quả rất tốt. Nhấn mạnh kết quả này, song ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) nhận thấy, tội phạm ma túy trên thế giới và các nước láng giềng ngày càng gia tăng, ảnh hướng ít nhiều đến công tác phòng, chống ma túy trong nước.

Tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong nước cũng ngày càng tăng, đáng lo ngại là độ tuổi người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa. Do vậy, việc quyết định thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình, đại biểu Lý Anh Thư nêu rõ.

Trong dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình đã quy định rõ nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Theo đó, đối với địa phương tự cân đối được ngân sách, thì tự bảo đảm kinh phí để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các dự án và Chương trình từ ngân sách địa phương. Đối với các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các dự án thành phần và Chương trình.

 ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Thanh Hải

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Thanh Hải

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị, cơ quan chủ trì cần rà soát bổ sung quy định rõ tỷ lệ hỗ trợ đối với địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương hoặc giao Chính phủ đề xuất địa phương được hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện cho các địa phương không tự cân đối được ngân sách còn lại để thực hiện Chương trình.

Quan tâm đến chỉ tiêu về bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) băn khoăn với chỉ tiêu đến năm 2030 phấn đấu 100% số cơ sở cai nghiện ma túy công lập bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

Bởi, việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện ma túy hiện đang có khó khăn nhất định do thiếu kinh phí thực hiện.

Dù báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhiều con số “biết nói” về nội dung này, nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát dự toán phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, dự toán ngân sách năm 2025 để có thêm sở cứ xác định nguồn lực thực hiện mục tiêu nêu trên của Chương trình.

Đồng thời, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình cũng cần bảo đảm bố trí nguồn lực dự kiến 65,1 tỷ đồng cho năm 2025 phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; bảo đảm tính khả thi về thời gian, nhiệm vụ thực hiện toàn bộ Chương trình này…

Để hoàn thành được chỉ tiêu nêu trên, một số đại biểu đề nghị phải có lộ trình cụ thể rõ ràng cho chỉ tiêu này và đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng hỗ trợ nâng cấp bảo đảm về cơ sở vật chất, nơi ở cho người cai nghiện và viên chức, nhân viên của các trung tâm.

Tại dự thảo Nghị quyết xác định mục tiêu là các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%; phấn đấu 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá.

Về chỉ tiêu này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị cần cân nhắc, bởi lẽ số vụ việc tội phạm ma túy của giai đoạn trước tăng giảm không ổn định, trong khi hành vi bán ma túy ngày càng tinh vi, ví dụ, có gói kẹo nhìn rất đơn giản, được bán với giá rẻ cho học sinh, sinh viên nhưng thực tế trong đó có chứa chất ma túy.

Ngoài ra, đối tượng bán chất ma túy cũng lợi dụng nhóm yếu thế là đồng bào dân tộc cũng như địa hình vùng núi hiểm trở, phức tạp, khó tuần tra, kiểm soát được hết để cung cấp ma túy cho bà con.

Do đó, để thực hiện được những chỉ tiêu đề ra trong Chương trình, đại biểu cho rằng, Bộ Công an nên đề ra biện pháp yêu cầu công an các cấp rà soát, nắm tình hình, khi phát hiện phải triệt phá và có thời hạn hoàn thành để bảo đảm công tác phòng, chống ma túy một cách quyết liệt hơn.

Tích hợp kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất với các kế hoạch liên quan

Cũng tại phiên họp tổ chiều nay, thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các ĐBQH tán thành với việc sửa đổi Luật Hóa chất hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

 ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), sửa đổi Luật Hóa chất hiện hành cần bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Đối với quy định tại Điều 64 của dự thảo luật về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đại biểu Trần Văn Tiến lưu ý, hiện nay các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất có liên quan đến một số luật, như Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo…

Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ các căn cứ và tính khả thi của quy định này, bảo đảm thực hiện thuận lợi, hiệu quả khi được ban hành. Đồng thời, rà soát các nội dung trong dự thảo luật và các luật khác có liên quan để bảo đảm phù hợp, thống nhất giữa các luật; nghiên cứu việc tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với các kế hoạch có liên quan đang được quy định tại các luật khác nhau, tránh chồng chéo và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuong-trinh-la-yeu-cau-cap-bach-khach-quan-va-xuat-phat-tu-thuc-tien-post395810.html