Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong chương trình xây dựng nông thôn mới
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Từ ngày 1/3 - 29/4/2023, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Đây là một trong ba Chương trình Mục tiêu quốc gia có quy mô lớn, nhận được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Quốc hội. Nguồn vốn cho thực hiện chương trình được huy động từ nhiều nguồn ngoài ngân sách Nhà nước (vốn vay, doanh nghiệp, huy động nhân dân...) và được lồng ghép đầu tư với Chương trình, kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm của địa phương. Cơ quan chủ trì và điều phối chung toàn Chương trình là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, ngành liên quan và các địa phương là cơ quan chủ quản, triển khai Chương trình.
Bất cập trong bố chí vốn
Báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương còn chậm so với kế hoạch được giao tại Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ này cũng chậm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; chưa hoàn thành việc xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Ngoài ra, việc đôn đốc, lấy ý kiến của một số bộ, ngành đối với dự thảo của 5 Chương trình hỗ trợ chưa đáp ứng thời gian theo yêu cầu tại các văn bản của Văn phòng Chính phủ.
Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cơ quan chủ trì Chương trình là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đủ cơ sở thực hiện lập báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí, quyết toán kinh phí của Chương trình để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đến từ việc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chậm trình Chính phủ thông qua báo cáo phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2022; chưa hoàn thành thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình Mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Bộ Tài chính chưa tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP để trình Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan chủ quản Chương trình theo quy định.
Một số bộ, ngành liên quan chậm công bố chỉ tiêu cụ thể và ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí cũng như đánh giá kết quả thực hiện xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.
Công tác xây dựng phương án phân bổ vốn, giao vốn giai đoạn 5 năm 2021-2025, hàng năm của Chương trình còn một số tồn tại trong việc xác định nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, số xã khu vực III làm ảnh hưởng tới số vốn ngân sách trung ương giao cho một số địa phương. Một số địa phương đã được bố trí hỗ trợ vốn cao hơn so với phương án rà soát lại 358,39 tỷ đồng, trong khi một số địa phương được bố trí vốn hỗ trợ thấp hơn 150,46 tỷ đồng.
Kiến nghị xử lý hàng trăm tỷ đồng
Tại 13 tỉnh, thành phố được kiểm toán, một số tỉnh chưa thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia hoặc chưa kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp theo quy định; tổ chức mô hình và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp tại địa phương chưa thống nhất; chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện Chương trình theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ rằng, các địa phương không xác định được chính xác số liệu huy động vốn thực hiện Chương trình năm 2021, 2022 đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, xã. Một phần nguyên nhân do không dự kiến mức vốn bố trí, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động, danh mục dự án đầu tư; không có quy định cụ thể về cơ chế lồng ghép, quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn ghép; chưa xác định giải pháp huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình...
Đồng thời, cũng không xác định được chính xác các khoản tín dụng vay để đầu tư thực hiện cho các nội dung thành phần của Chương trình do nguồn vốn tín dụng được chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tổng hợp trên tất cả các khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn, không nêu cụ thể các chương trình vay, các khoản vay liên quan đến các nội dung của Chương trình này giai đoạn 2021-2025.
Trong thực hiện cơ chế huy động vốn, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình tại một số địa phương, chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; chưa lập danh mục chi tiết các dự án thuộc Chương trình, danh mục các dự án lồng ghép mục tiêu, đối tượng của Chương trình.
Báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho thấy, đến ngày 31/12/2022, các chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đều thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch giao; tiến độ triển khai một số nội dung cụ thể của 5 Chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 còn chậm hoặc chưa được triển khai.
Tại 13 địa phương được kiểm toán, kết quả thực hiện chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 145.728 triệu đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36.724 triệu đồng; giảm thanh toán 6.597 triệu đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương hoàn trả cho Chương trình 102.360 triệu đồng. Kiến nghị xử lý khác 307.259 triệu đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 298.932 triệu đồng.