Kiểm toán Nhà nước - Công cụ hữu hiệu trong kiểm tra, kiểm soát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Kiểm toán Nhà nước cũng đồng hành cùng sự phát triển của mỗi địa phương, doanh nghiệp cũng như phục vụ hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội trong giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ngoài tăng trưởng về số lượng, chất lượng cũng là dấu ấn khi 100% kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên. Ảnh tư liệu.

Ngoài tăng trưởng về số lượng, chất lượng cũng là dấu ấn khi 100% kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên. Ảnh tư liệu.

Nhiều thành tựu sau 30 năm xây dựng và phát triển

Phát biểu tại Hội thảo “Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - 30 năm xây dựng và phát triển” diễn ra ngày 3/7, một trong các hoạt động kỷ niệm hướng tới 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sự ra đời của KTNN là một tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã đạt được những thành tựu to lớn, luôn giữ vững giá trị cốt lõi của mình và khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị của quốc gia. Uy tín, vị thế của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế và các nước cũng ngày càng được khẳng định và nâng cao” - Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, trên thế giới, KTNN đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nhưng ở nước ta, hoạt động kiểm toán mới xuất hiện vào những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế.

Từ những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu thốn từ con người đến cơ sở vật chất làm việc; nhưng với lòng quyết tâm của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đến nay bộ máy hoạt động của KTNN đã được kiện toàn.

Hiện KTNN có 32 đơn vị (9 đơn vị tham mưu, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực và 2 đơn vị sự nghiệp), với tổng số hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng cũng là dấu ấn khi 100% kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên; có trên 50% cán bộ, công chức có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.

Đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương

Với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN đã phát huy hiệu quả vai trò của mình, đồng hành cùng sự phát triển của mỗi địa phương, doanh nghiệp cũng như phục vụ hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội trong giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội…

Đồng hành bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, KTNN thường xuyên có nhiều góp ý vào các chính sách liên quan đến người lao động như chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, khi kiểm toán tại các cơ quan, doanh nghiệp, kiểm toán viên nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề tuân thủ pháp luật và việc thực hiện chính sách đối với người lao động.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, KTNN đã triển khai hàng chục đoàn kiểm toán tại Ủy ban cũng như tại các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch hàng năm, với các loại hình kiểm toán rất đa dạng, phong phú từ kiểm toán về tài chính, kiểm toán về vấn đề tái cơ cấu, kiểm toán tính tuân thủ và kiểm toán chuyên đề xây dựng cơ bản cũng như là tái cơ cấu doanh nghiệp và kiểm toán vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp.

Các thông tin của KTNN góp phần giúp cho Ủy ban cũng như các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đưa ra những quyết định đúng đắn trong thực hiện các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển được vốn của doanh nghiệp.

Bên cạnh những đóng góp hiệu quả của KTNN với công tác quản lý, điều hành ngân sách, tài chính công, tài sản công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh vai trò của KTNN trong việc giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương, các sở, ngành. Theo đó, KTNN đã phối hợp với tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. KTNN đã hỗ trợ địa phương bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, của HĐND và UBND tỉnh theo luật định.

Từ góc độ cơ quan của Quốc hội, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu bật những kiến nghị của KTNN về xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Theo báo cáo, trong 30 năm qua, KTNN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn 2.200 văn bản. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, KTNN đã kiến nghị 872 văn bản, trong đó có 8 luật, 38 Nghị định, 136 thông tư và 690 văn bản khác. Trong năm 2023, KTNN cũng kiến nghị 84 văn bản phải xem xét, sửa đổi.

“Những kiến nghị của KTNN về hoàn thiện văn bản pháp luật, hoàn thiện chính sách khi được các cơ quan thực hiện kịp thời thì sẽ giúp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý, giúp nâng cao hiệu quả của quản lý. Đặc biệt là, các kiến nghị của KTNN đều dựa trên nền tảng quy định pháp luật, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn” - ông Lê Minh Nam đánh giá.

ÔNG NGUYỄN ĐỨC HẢI - PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: Công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước

Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên.

Là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã cung cấp nhiều thông tin xác thực, có chất lượng, giúp Quốc hội có thêm căn cứ quan trọng để xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN).

KTNN cũng đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; phối hợp và cung cấp thông tin cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng và Nhà nước.

ÔNG NGÔ VĂN TUẤN - TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC: Nỗ lực thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030

Có thể nói, KTNN ngày càng khẳng định là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước....

Để đạt được kết quả đó, trong tiến trình phát triển, KT N N luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sự hợp tác, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, và sự quan tâm của xã hội.

Chặng đường phía trước tiếp tục đặt ra những thách thức, những yêu cầu và nhiệm vụ mới phù hợp với bối cảnh mới của xu thế hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề mới nổi, những kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân về chất lượng kiểm toán...

Với bề dày truyền thống và những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, trong hành trình sắp tới, KTNN sẽ không ngừng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

ÔNG HOÀNG XUÂN ÁNH - PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH CAO BẰNG: Hỗ trợ chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng tài chính công

Những năm qua, hoạt động của KTNN luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương đánh giá đúng những lợi thế, ưu điểm, cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đảmbảo tiết kiệm, hiệu quả; tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Theo thời gian, tần suất các cuộc kiểm toán không tăng, nhưng quy mô cuộc kiểm toán được lồng ghép các chuyên đề sâu, phù hợp thực tiễn, tính thời sự được xã hội quan tâm, chất lượng hoạt động kiểm toán được nâng lên.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu cho NSNN trên địa bàn; giảm chi, tiết kiệm NSNN, tạo thêm nguồn lực tài chính cho địa phương. Quan trọng hơn, hoạt động kiểm toán giúp các đơn vị được kiểm toán đã và đang khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-toan-nha-nuoc-cong-cu-huu-hieu-trong-kiem-tra-kiem-soat-quan-ly-su-dung-tai-chinh-tai-san-cong-154339.html