Kiểm toán Nhà nước đề nghị tăng trợ cấp người có công theo lương cơ sở
Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần xem xét điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ cho người có công phù hợp với thực tiễn và lộ trình lương cơ sở qua các năm.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), năm 2024 cơ quan này đã thực hiện kiểm toán chuyên đề toàn ngành về việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công (NCC) giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH); các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Gia Lai.
Qua kiểm toán, cơ quan này chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác thực hiện chính sách ưu đãi NCC. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa đồng bộ…
Theo KTNN, mức hưởng trợ cấp hàng tháng của một số đối tượng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, cần nghiên cứu xem xét, điều chỉnh.
Chẳng hạn, cùng tỷ lệ tổn thương cơ thể nhưng đối tượng NCC lại thấp hơn đối tượng bảo trợ xã hội (chưa kể cấp phát trang thiết bị bằng hiện vật), hoặc chưa phù hợp giữa đối tượng thương binh, bệnh binh có cùng tỷ lệ tổn thương cơ thể đang sống ở gia đình và tại cơ sở điều dưỡng.
Mức hỗ trợ trang bị, cấp phát phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện phục hồi chức năng thực hiện từ năm 2018 đến nay chưa được điều chỉnh trong khi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng 36%…

Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần xem xét điều chỉnh mức hưởng trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ cho người có công. Ảnh: TL
Ngoài ra còn một số khoản hỗ trợ chưa phù hợp thực tiễn và lộ trình tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi, tiền lương cơ sở qua các năm. Các quy định liên quan đến mức hưởng cùng kinh phí từ ngân sách cho đầu tư nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, điều chỉnh mức hỗ trợ… cũng còn nhiều bất cập.
Đoàn kiểm toán nêu thực trạng một số địa phương tự cân đối ngân sách vẫn được phân bổ với mức hỗ trợ hoặc tỷ lệ hỗ trợ cao, trong khi một số địa phương chưa tự cân đối ngân sách nhưng được phân bổ với mức hỗ trợ hoặc tỷ lệ hỗ trợ thấp hơn.
Hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC thống nhất, đồng bộ
Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra có trường hợp người dân đóng góp cho cách mạng nhưng chưa được hưởng chế độ ưu đãi phù hợp, hoặc thân nhân là người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học cũng chưa được hưởng chế độ, chính sách tương xứng.
Bên cạnh đó, còn có những bất cập khác liên quan đến việc hướng dẫn lập hồ sơ công nhận bệnh binh; quy định việc tạm dừng chi trả và hưởng lại chế độ trợ cấp ưu đãi đối với NCC và thân nhân; thời điểm hưởng chế độ của một số đối tượng…
KTNN kiến nghị Bộ LĐTBXH (nay là Bộ Nội vụ) rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, tổng hợp khó khăn và vướng mắc, tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách ưu đãi NCC đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Trong đó, Bộ LĐTBXH cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung các Nghị định 75/2021, Nghị định số 55/2023, Nghị định số 131/2021 để phù hợp với thực tiễn và mục tiêu đã được Đảng, Nhà nước đề ra.
Như tại Nghị quyết số 42, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% người có công và gia đình NCC sẽ có mức sống trung bình khá trở lên, được chăm lo toàn diện về vật chất và tinh thần.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định mức trợ cấp ưu đãi cho NCC cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh ở mức cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội.