Kiểm toán Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp, các đơn vị
Tại Tọa đàm: 'Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo đà tăng trưởng' do Báo Kiểm toán tổ chức chiều 23/8, TS. Nguyễn Đức Kiên kỳ vọng qua kiểm toán các dự án đầu tư, Kiểm toán nhà nước sẽ chia sẻ khó khăn, thấu hiểu rủi ro, trách nhiệm, đồng hành với doanh nghiệp, các đơn vị quản lý Nhà nước và những người thực thi ở các cấp để giúp họ đi đúng, làm đúng, có hiệu quả...
Tham dự Tọa đàm có TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia; ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước và ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính.
Tọa đàm được tổ chức nhằm làm rõ 2 vấn đề: Giải ngân, phấn đấu hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch vốn của cả năm - các Bộ, ngành, địa phương phải làm thế nào để con số này không trở thành nhiệm vụ “bất khả thi”.
Đồng thời, các diễn giả cũng làm rõ vai trò của công tác giám sát, kiểm toán, đặc biệt là những kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với việc chấn chỉnh các bất cập, nâng cao hiệu quả giải ngân đầu tư công tại các Bộ, ngành, địa phương.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, năm 2023 là một năm đặc biệt của nhiệm kỳ 2021-2025 bởi việc có thêm các gói hỗ trợ kích cầu sau đại dịch Covid-19 khiến tổng khối lượng phải giải ngân vốn tăng cao so với các năm. Do đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của cả nước 8 tháng đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao không phải là con số đáng lo ngại.
Trong những tháng cuối năm, khi các đơn vị, nhà thầu và các ban quản lý tiến hành nghiệm thu khối lượng các công trình thì khả năng tỷ lệ giải ngân 4 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn.
Về vấn đề điều chuyển vốn từ các dự án, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đây là giải pháp hoàn toàn đúng theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước (không vượt tổng mức đầu tư) để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, có thể đưa nhanh các công trình, dự án mà gần đến điểm nghiệm thu đưa vào sử dụng khai thác.
Thực tế, chậm giải ngân vốn đầu tư công là căn bệnh cần phải có lộ trình khắc phục, tối thiểu là 5 năm, bởi vướng vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn và tài sản nhà nước… Đấy là những vấn đề chúng ta cần phải khắc phục. Như vậy, chúng ta cần bình tĩnh trước những con số và tin tưởng các đơn vị được phân bổ vốn sẽ có trách nhiệm giải ngân, cũng như các nhà quản lý có sự nhìn nhận, đánh giá để có cơ chế, chính sách phù hợp.
Ông Lê Tuấn Anh cho rằng, khi triển khai thực hiện kế hoạch, tất cả các cấp, ngành đều mong muốn thực hiện đúng kế hoạch mình đặt ra để đảm bảo tính ổn định ngân sách. Tuy nhiên, với đặc thù trong công tác xây dựng, việc điều chỉnh kế hoạch vốn dự án không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện thấp sang dự án có khả năng thực hiện là thực trạng khá phổ biến. Do đó, các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư cần bám sát thực trạng, đánh giá khả năng thực hiện của dự án và đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh kịp thời, đúng quy định theo Luật Đầu tư công.
Từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn đánh giá: Nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, thấp là do vấn đề thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó, nhiều vướng mắc từ khâu chuân bị đầu tư, tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh vốn đầu tư, thanh quyết toán… Đối với việc điều chuyển vốn giữa các dự án, vấn đề ở đây là điều chỉnh vốn một cách chủ động, kịp thời, đúng quy định.
Cũng tại Tọa đàm, đại diện cho Kiểm toán nhà nước, ông Vũ Ngọc Tuấn khẳng định, Kiểm toán nhà nước sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, cũng như các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư công.
Chung quan điểm với ông Vũ Ngọc Tuấn, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh thêm: Kiểm toán nhà nước cần chia sẻ khó khăn, thấu hiểu rủi ro, trách nhiệm, đồng hành với doanh nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước và những người thực thi ở các cấp để giúp họ đi đúng, làm đúng, có hiệu quả..