Kiểm toán nhà nước góp phần phòng, ngừa tham nhũng, kiến nghị 'bịt' lỗ hổng cơ chế, chính sách
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán nhà nước luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kiểm toán.
Cho biết những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Luật KTNN và Luật PCTNTC, KTNN luôn xác định PCTNTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kiểm toán; từ đó KTNN từng bước hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và khẳng định vai trò quan trọng trong công tác PCTNTC trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình mới, với tinh thần quyết tâm, khí thế trong công tác PCTNTC trong toàn Đảng, toàn dân ngày càng cao, ý thức, trách nhiệm và hành động của KTNN đối với công tác này tiếp tục được khẳng định ở cấp độ cao nhất. Những nỗ lực của KTNN trong công tác PCTNTC qua hoạt động kiểm toán được thể hiện rõ trên ba khía cạnh sau:
Góp phần phòng, ngừa tham nhũng
Thứ nhất, góp phần phòng, ngừa tham nhũng. Hằng năm, KTNN thực hiện bình quân khoảng 250 cuộc kiểm toán, trong đó đã tiến hành đánh giá và xác nhận tính trung thực của hàng nghìn Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán của các đơn vị, dự án được chi tiết. Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chuyển hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định.
Thông qua các phát hiện kiểm toán, KTNN góp phần chỉ ra sai phạm trong từng khâu, từng thời điểm giúp đơn vị có sai sót chấn chỉnh kịp thời, tạo sự răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, hàng năm KTNN cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan chức năng để xem xét thanh tra, kiểm tra và giám sát các đơn vị theo chức năng và thẩm quyền.
Đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Thứ hai, lần đầu tiên KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng kèm theo Quyết định số 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023, trên cơ sở cụ thể hóa Điều 87 Luật PCTN: “KTNN có trách nhiệm kiểm toán vụ việc có dấuhiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật”; trong đó, quy định đối với trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự.
Thực tiễn, KTNN đã áp dụng thực hiện đối với 02 cuộc kiểm toán (Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) theo chỉ đạo và đã có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và cung cấp tài liệu cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định.
Đã kiến nghị các cơ quan chức năng “bịt” lỗ hổng cơ chế, chính sách
Thứ ba, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các cơ quan chức năng “bịt” lỗ hổng cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực công được hiệu quả, tiết kiệm.
"Đây là một trong những đóng góp quan trọng của KTNN trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế lành mạnh, minh bạch.
Trong đó, hàng năm KTNN kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý khác". Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chia sẻ.