Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý gần 47 tỷ đồng sau kiểm toán một dự án đường cao tốc
Cùng với kiến nghị xử lý tài chính 1,84 tỷ đồng và xử lý khác 45,1 tỷ đồng sau kiểm toán Hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 với 4 dự án thành phần (DATP), Kiểm toán nhà nước (KTNN) còn đưa ra nhiều kiến nghị hoàn thiện chính sách.
Đây là dự án quan trọng quốc gia với chiều dài 188,2km, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư năm 2022. Dự án được chia thành 4 DATP, thực hiện theo hình thức đầu tư công, trong đó DATP1 khoảng 57,2km (tại tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ); DATP2 khoảng 37,2km (tại TP. Cần Thơ); DATP3 khoảng 36,9km (tại tỉnh Hậu Giang); DATP4 khoảng 56,9km (tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng). Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 44.691 tỷ đồng, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 60/2022/QH15 và các Nghị quyết khác của Quốc hội.
Việc chấp hành các quy định quản lý dự án đầu tư còn hạn chế
Qua kiểm toán cho thấy, các Ban Quản lý dự án (QLDA) chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc; một số cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề theo quy định của Chính phủ. Việc thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa hiệu quả, ngoại trừ DATP1, các DATP khác đều gặp khó khăn và không chủ động được nguồn vật liệu.
Theo KTNN, nguyên nhân do nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu xây dựng thông thường nói chung, vật liệu cát nói riêng trong khu vực các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng đột biến do triển khai xây dựng cùng lúc nhiều dự án giao thông, đường cao tốc quy mô lớn. Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ chế phối hợp cụ thể giữa các địa phương trong khu vực trong việc rà soát, phối hợp cung cấp nguồn vật liệu xây dựng thông thường để sử dụng cho các dự án giao thông lớn, quan trọng trên địa bàn. Cơ quan chuyên môn của các địa phương chưa rà soát toàn diện nguồn vật liệu trên địa bàn để xem xét sử dụng cho các dự án cao tốc hoặc chưa có các hướng dẫn kịp thời để chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện. Một số Bộ chưa hoàn thành việc hướng dẫn thủ tục, phương án khai thác, công bố giá vật liệu khai thác tại mỏ làm cơ sở cho địa phương thực hiện.
Cùng với việc lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư Dự án còn sai sót trong tính toán khối lượng, xác định chi phí làm tăng giá trị 381,8 tỷ đồng; việc xác định một số chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong tổng mức đầu tư là tạm tính, chưa đầy đủ thông tin, căn cứ, cơ sở nên còn chênh lệch so với giai đoạn triển khai thực hiện.
KTNN phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành các quy định quản lý dự án đầu tư. Đơn cử, Hồ sơ khảo sát vật liệu cung cấp cho dự án không xác định cụ thể mỏ vật liệu cung cấp cho từng gói thầu, trữ lượng còn lại, công suất khai thác, tình hình cung cấp vật liệu cho dự án khác hoặc chưa thực hiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các vị trí mỏ chưa khai thác; một số mỏ không có khả năng cung cấp cho dự án, một số mỏ thông số thí nghiệm chưa đảm bảo; việc áp dụng một số thông số thí nghiệm vào tính toán chưa phù hợp.
Hồ sơ thiết kế kỹ thuật một số gói thầu xây lắp không thể hiện đầy đủ các thông số, chưa đủ cơ sở để tính toán khối lượng lập dự toán; một số biện pháp thi công còn chưa phù hợp hoặc thiếu bảng tính kết cấu. Mặc dù thiết kế kích thước dải phân cách giữa giai đoạn phân kỳ của Dự án theo vận tốc 80km/h có chiều cao 85cm, chiều rộng đáy 50cm ở mức năng lượng và chạm trung bình phù hợp quy định và tiêu chuẩn, tuy nhiên, đối với DATP2, KTNN yêu cầu phải nghiên cứu giải pháp tận dụng cho giai đoạn hoàn thiện. Bất cập còn thể hiện qua việc bố trí trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến khi chưa làm rõ quy hoạch và vị trí, quy mô trạm đảm bảo khoảng cách chung cho toàn Dự án theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Có DATP còn lập nhu cầu tái định cư, xây dựng quy mô khu tái định cư lớn hơn so với nhu cầu.
Sai định mức, khối lượng, đơn giá làm tăng giá trị dự toán
Đánh giá về công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán, KTNN chỉ rõ, trong báo cáo thẩm định của Cục Đường cao tốc Việt Nam chưa xác định danh mục định mức cần khảo sát trong quá trình thi công xây dựng, các định mức điều chỉnh chưa được chủ đầu tư xem xét, quyết định sử dụng làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình. Một số định mức được vận dụng chưa phù hợp hoặc điều chỉnh nhưng chưa đưa vào danh mục để chủ đầu tư trình thẩm định, phê duyệt; còn sai khối lượng, đơn giá làm tăng giá trị dự toán các gói thầu 224,17 tỷ đồng.
Trong lựa chọn nhà thầu, thương thảo ký kết hợp đồng, tại DATP1, Hồ sơ yêu cầu định số lượng máy thi công thấp hơn so với nhu cầu sử dụng của một số gói thầu; tiên lượng mời thầu không thống nhất với phần đo đạc và xác định khối lượng thanh toán trong Chỉ dẫn kỹ thuật. Tại DATP2 và 3, Hợp đồng chưa quy định chi tiết phương pháp điều chỉnh đơn giá liên quan đến các định mức mới, định mức điều chỉnh khi có kết quả khảo sát, chuẩn xác lại trong quá trình thi công. Với DATP4, chưa công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định.
Liên quan đến quản lý chi phí, chủ đầu tư chưa xác định định mức các công tác có điều chỉnh trong quá trình thi công; còn sai sót trong quản lý chi phí về khối lượng, đơn giá. Các gói thầu xây lắp tại các DATP đều chậm tiến độ do khó khăn về nguồn vật liệu và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Từ những bất cập được phát hiện, KTNN yêu cầu các Chủ đầu tư DATP cần tổ chức rà soát dự toán các gói thầu xây lắp, gói thầu tư vấn, gói thầu thuộc chi phí giải phóng mặt bằng… để điều chỉnh giá trị hợp đồng các gói thầu theo quy định; lập danh mục, trình cơ quan chuyên môn thẩm định, quyết định áp dụng định mức đối với các công tác chưa đủ cơ sở xác định dự toán làm cơ sở quản lý nghiệm thu, thanh toán chi phí đầu tư; tổ chức khảo sát, thu thập số liệu từ thi công thực tế để chuẩn xác lại các nội dung của định mức.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền việc chứng chỉ quản lý của một số cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng đủ điều kiện; khẩn trương rà soát, hoàn thiện chứng chỉ quản lý đối với một số chức danh, cá nhân phụ trách các lĩnh vực của Ban QLDA. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công tiếp tục kiểm tra, rà soát hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng; khẩn trương xây dựng phương án khai thác, sử dụng khả thi đáp ứng nhu cầu cát đắp của Dự án làm cơ sở tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả. Kiểm tra, rà soát, thực hiện đúng quy định các nội dung về lựa chọn nhà thầu, thương thảo ký kết hợp đồng, quản lý chất lượng, tiến độ, chi phí, vốn và công tác kế toán.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, KTNN kiến nghị nghiên cứu, rà soát để thống nhất áp dụng hoặc có ý kiến với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý về tiêu chuẩn, hướng dẫn hiện hành về thiết kế, tính toán xử lý nền đất yếu; cũng như quy định chi tiết, cụ thể số lượng thí nghiệm địa chất công trình trong Tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế nền đường ô tô làm căn cứ quản lý chất lượng, quản lý chi phí đầu tư dự án. Đồng thời, rà soát TCVN 5729:2012 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và các Tiêu chuẩn cơ sở mới được ban hành. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần hoàn thành phương án khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc. Đối với Bộ Xây dựng, KTNN đề nghị nghiên cứu xây dựng, ban hành định mức vận chuyển các loại vật liệu, cấu kiện xây dựng bằng đường thủy làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và công bố giá vật liệu cát biển khai thác tại mỏ./.