Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng
Ngày 5/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017.
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước Trần Khánh Hòa cho biết: Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán 17 bộ, cơ quan Trung ương; 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 9 chủ đề kiểm toán hoạt động; 22 chuyên đề; 56 dự án đầu tư; 36 doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính ngân hàng; 22 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cơ quan đảng và kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 23.722 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% so với dự toán; bằng 116,8% thực hiện năm 2016, đạt mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây.
Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT năm 2018 cho thấy, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội. Kết quả kiểm toán 7 dự án BT cho thấy, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước.
Công tác quản lý và sử dụng đất trong năm 2018 còn hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng như: Điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất; hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá; giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát ngân sách nhà nước... Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 334 tỷ đồng.
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, phần lớn các tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 10.896 tỷ đồng.
Công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ từ khâu lập quy hoạch tổng thể, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế cơ sở đến việc huy động vốn, bố trí vốn chậm, chưa phù hợp tiến độ thực hiện; sử dụng vốn không đúng mục tiêu; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng không đúng quy định; một số dự án phải dừng, giãn tiến độ. Nhiều dự án nghiệm thu, thanh toán, quyết toán còn sai sót về khối lượng, đơn giá và chưa đầy đủ thủ tục, Kiểm toán nhà nước kiến nghị thu hồi, giảm thanh toán 210 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 5.681 tỷ đồng…
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017 còn chậm, không đúng kế hoạch được duyệt, chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng theo quy định, trong đó, các Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh đều đang tạm dừng công tác cổ phần hóa, thoái vốn...
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tính đến 31/12/2018 là 66.451 tỷ đồng, đạt 73,2% tổng số kiến nghị (năm 2015 đạt 75,6%, năm 2016 đạt 78,2%), trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 22.934 tỷ đồng, đạt 61,8%. Có 28/159 văn bản đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản. Có 43/56 cuộc kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 (Thu cân đối ngân sách nhà nước 1.683.045 tỷ đồng; Chi cân đối ngân sách nhà nước 1.681.414 tỷ đồng; Bội chi ngân sách nhà nước 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện); ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của Kiểm toán Nhà nước, trong đó: Hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 160 văn bản (4 luật; 11 nghị định; 29 thông tư; 15 nghị quyết; 47 quyết định; 54 văn bản khác).