Kiểm toán nhà nước ký Quy chế phối hợp với 4 tỉnh
Chiều 29/6, Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012 - 2023 và lễ ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Bình Thuận.
Tham dự Hội nghị có Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước; đại diện lãnh đạo 4 tỉnh ký Quy chế phối hợp; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
Báo cáo về kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Bình Thuận, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII Trần Minh Khương cho biết, trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh trong công tác khảo sát, thu thập thông tin về danh mục đầu mối kiểm toán, nhằm phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán theo định hướng của Ngành.
Việc gửi văn bản lấy ý kiến về đầu mối kiểm toán trong các kế hoạch kiểm toán giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND 4 địa phương và cơ quan thanh tra, kiểm tra đã góp phần hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát nội bộ của địa phương như thanh tra, kiểm tra, giám sát các cấp đã tạo được sự đồng thuận cao trong hoạt động kiểm toán.
Trong quá trình kiểm toán, 4 tỉnh luôn phối hợp kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm toán thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo kế hoạch được giao; các đơn vị có liên quan thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin về hoạt động kiểm toán, chỉ đạo cung cấp hồ sơ tài liệu, kịp thời giải trình, đảm bảo cho hoạt động của Đoàn kiểm toán được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII luôn trao đổi với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh về tiến độ kiểm toán; những vướng mắc phát sinh, cùng phối hợp xử lý có hiệu quả; tổ chức hội nghị thông qua kết quả kiểm toán để cùng thảo luận về kết quả kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các bên trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán và của Kiểm toán viên nhà nước; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và của HĐND, UBND… đều được triển khai nghiêm túc, đầy đủ và đạt những kết quả tích cực.
“Kết quả đạt được của hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi Bên. Hoạt động kiểm toán đã tư vấn và giúp HĐND 4 tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách; phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản công. Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kiểm toán nhà nước khu vực XIII, của HĐND, UBND 4 tỉnh đã góp phần giúp Kiểm toán Nhà nước hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm”, Kiểm toán trưởng Trần Minh Khương nêu rõ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như rà soát, đánh giá những bất cập so với yêu cầu thực tiễn sau thời gian thực hiện Quy chế phối hợp công tác, tại hội nghị, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh. Quy chế lần này được điều chỉnh, bổ sung một số điều và nội dung nhằm phù hợp với các quy định và tình hình mới, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi bổ sung; giảm thiểu sự trùng lắp về kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tại địa phương.
Cụ thể, một số nội dung phối hợp được xác định trên các mặt: Phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán; trong thực hiện kiểm toán; trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương;…
Đặc biệt, một số nội dung mới được bổ sung là: Các Bên tăng cường phối hợp trong việc giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước; trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu HĐND; phối hợp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, của HĐND và UBND các tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; phối hợp trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiêu cực.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND 4 địa phương từ khâu xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm toán; báo cáo kiểm toán nên tập trung đánh giá thêm về nội dung năng lực điều hành của các địa phương; nghiên cứu và hướng dẫn địa phương trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; có cơ chế xử lý những vướng mắc, tồn đọng kéo dài trong thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, quan tâm, hỗ trợ Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về tài chính - ngân sách cho các đại biểu dân cử và các cấp chính quyền để đảm bảo quá trình vận hành, giám sát hoạt động tài chính - ngân sách đạt hiệu quả cao nhất.
Để thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác, Lãnh đạo 4 địa phương cam kết sẽ tập trung phối hợp tốt với Kiểm toán Nhà nước trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Kiểm toán Nhà nước; nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước; thường xuyên trao đổi thông tin với Kiểm toán Nhà nước để đảm bảo việc xây dựng, triển khai thực hiện tốt các kế hoạch kiểm toán trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tạo điều kiện tốt nhất cho các Đoàn kiểm toán trong việc khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin, truy cập vào dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán, phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; rà soát các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng để kịp thời tháo gỡ, xử lý…
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, sau nhiều năm thực hiện, Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh đã đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả công tác của mỗi Cơ quan. Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các địa phương quan tâm tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và của HĐND, UBND theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán trên địa bàn, đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế địa phương bền vững” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Kiểm toán Nhà nước đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho 10 lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các các sở, ban, ngành của 4 tỉnh có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Kiểm toán Nhà nước trong công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.