Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm trong quản lý, xử lý rác thải
Đó là thông tin đáng chú ý tại hội thảo khoa học 'Quản lý rác thải, nước thải vì sự bền vững và vai trò của Kiểm toán Nhà nước', được tổ chức ngày 19-9 tại Hà Nội.
Dẫn chứng cụ thể thông qua báo cáo, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực XIII nêu rõ: Tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Phòng Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng vận chuyển rác với Trung tâm Dịch vụ Quản lý đô thị. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng Phòng Tài nguyên và Môi trường xác nhận cho các chuyến xe không phải của trung tâm trên để thanh quyết toán kinh phí vận chuyển rác. Hoặc, đơn vị đã quyết toán chi phí theo đơn giá tạm tính áp dụng cho việc thu gom, vận chuyển rác thủ công.
"Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên môi trường thanh toán đối với hoạt động xử lý rác mặc dù doanh nghiệp chưa thực hiện xử lý rác theo công nghệ được quy định trong hợp đồng", báo cáo nêu lên.
Tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Khương chỉ ra, Phòng Kinh tế và Hạ tầng ký hợp đồng đặt hàng dịch vụ công ích với Công ty Công trình Đô thị nhưng không thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định. Đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu lên vấn đề, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã không quy định trách nhiệm giám sát hoạt động quản lý chất thải nguy hại của chủ nguồn thải sau khi chuyển giao.
"Trong chừng mực nhất định, việc quy định trách nhiệm của chủ nguồn thải đã giảm thủ tục, tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chủ nguồn thải không thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải nguy hại sau khi chuyển giao thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các chủ thể cung ứng dịch vụ không thực hiện đúng yêu cầu bằng cách đổ trộm chất thải nguy hại ra môi trường," ông Trần Minh Khương nêu lên.
Tương tự, điểm lại hàng loạt vi phạm môi trường như vụ Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải, Công ty Lee&Man xả thải ra sông Hậu, và nhất là sự cố Formosa ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Giáp, Kiểm toán trưởng Khu vực XI nhấn mạnh môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể, hàng năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện trong số 615 cụm công nghiệp, chỉ 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc tự xử lý nước thải.
Trước tình trạng đó, theo ông Giáp, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện một số cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến môi trường, như kiểm toán dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng; dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường TP. Hội An; các vấn đề về nước sông Mê Kông... bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán nói trên vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, chưa có cuộc kiểm toán môi trường theo đúng nghĩa.
Về phần mình, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường. Tuy nhiên, ông thừa nhận, kiểm toán môi trường hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ.
Thực tế, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập. Do đó, kết quả kiểm toán chưa được như kỳ vọng.
Ở một số cuộc kiểm toán môi trường thí điểm, kiểm toán viên gặp phải nhiều khó khăn do nhận thức của các đơn vị còn hạn chế, chưa nhận thức được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.