Kiểm toán Nhà nước phát hiện loạt sai phạm gì trong quản lý rác thải?
Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng có đơn vị lập dự toán và đã thanh toán với đơn giá không đúng quy định số tiền hàng trăm triệu đồng để xử lý rác thải.
Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn tại các địa phương và phát hiện không ít sai phạm.
Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực XIII đã chỉ ra điều này trong báo cáo gửi tới Hội thảo "Quản lý rác thải, nước thải vì sự phát triển bền vững và vai trò của Kiểm toán Nhà nước" ngày 19/9.
Theo ông, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Phòng Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng vận chuyển rác với Trung tâm Dịch vụ Quản lý đô thị. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng Phòng Tài nguyên và Môi trường xác nhận cho các chuyến xe không phải của trung tâm trên để thanh quyết toán kinh phí vận chuyển rác.
Hoặc, đơn vị đã quyết toán chi phí theo đơn giá tạm tính áp dụng cho việc thu gom, vận chuyển rác thủ công. Tuy vậy, qua khảo sát, Kiểm toán nhà nước phát hiện đơn vị thu gom, vận chuyển rác bằng các phương tiện cơ giới.
"Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên môi trường thanh toán đối với hoạt động xử lý rác mặc dù doanh nghiệp chưa thực hiện xử lý rác theo công nghệ được quy định trong hợp đồng," báo cáo nêu lên.
Tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Khương chỉ ra, Phòng Kinh tế và Hạ tầng ký hợp đồng đặt hàng dịch vụ công ích với Công ty Công trình Đô thị nhưng không thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện đơn vị lập dự toán và đã thanh toán với đơn giá không đúng quy định số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tại Đồng Nai, qua kiểm tra dự án Khu xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Kiểm toán Nhà nước phát hiện dự án thực hiện công nghệ chôn lấp 100% rác thải rắn là không phù hợp quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030. Tuy vậy, dự án vẫn được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu lên vấn đề, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không quy định trách nhiệm giám sát hoạt động quản lý chất thải nguy hại của chủ nguồn thải sau khi chuyển giao.
"Trong chừng mực nhất định, việc quy định trách nhiệm của chủ nguồn thải đã giảm thủ tục, tránh phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chủ nguồn thải không thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải nguy hại sau khi chuyển giao thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các chủ thể cung ứng dịch vụ không thực hiện đúng yêu cầu bằng cách đổ trộm chất thải nguy hại ra môi trường," ông Trần Minh Khương nêu lên.
Về phần mình, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, kiểm toán môi trường hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ. Thực tế, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập. Do đó, theo ông, kết quả kiểm toán chưa được như kỳ vọng.
Cũng theo ông, ở một số cuộc kiểm toán môi trường thí điểm, kiểm toán viên gặp phải nhiều khó khăn do nhận thức của các đơn vị còn hạn chế, chưa nhận thức được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường./.