Kiểm toán Nhà nước thúc đẩy công tác phối hợp tại 4 tỉnh Tây Nguyên

Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII đã đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, kế toán nhà nước phù hợp với từng địa phương.

Phối hợp công tác hiệu quả với các địa phương

Ngày 27/4/2023 tại Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Kể từ khi thành lập đến nay (năm 2011), Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán trên địa bàn 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Giai đoạn 2012-2022, Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thực hiện 57 cuộc kiểm toán. Tổng số kiến nghị xử lý giai đoạn 2012-2022 là 13.466 tỷ đồng.

Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh

Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII đã có nhiều kiến nghị nghị sửa đổi, thu hồi, hủy bỏ, ban hành mới nhiều văn bản về cơ chế chính sách của các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền địa phương; các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng ngân sách, công tác quản lý, điều hành ngân sách của các địa phương, đơn vị được kiểm toán.

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp, Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII đã có sự phối hợp công tác hiệu quả với các địa phương. Qua công tác kiểm toán, bên cạnh đánh giá những mặt đã làm được của các địa phương trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách, Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính, ngân sách ở địa phương cũng như sử dụng kết quả trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau; giúp các đơn vị quản lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn lực công.

Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII đã đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, kế toán nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của từng địa phương, góp phần bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách địa phương.

Thông tin về công tác phối hợp trong thực hiện kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII Phạm Văn Học cho biết: Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII đã phối hợp tốt với địa phương tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị, để thông tin đến HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và đề xuất Kiểm toán Nhà nước xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Hầu hết các kiến nghị kiểm toán đã được các tỉnh thực hiện kịp thời, nghiêm túc; tỷ lệ thực hiện hàng năm luôn đạt trên 82%.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND và UBND 4 tỉnh Tây Nguyên ngày 27/4, thay mặt Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trân trọng cảm ơn các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo 4 tỉnh Tây Nguyên đã có mặt tại Hội nghị, điều đó cho thấy sự quan tâm, tầm quan trọng của Hội nghị, nhất là Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND và UBND 4 tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua cũng như thời gian tới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công

Đồng chí Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định: Sau nhiều năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh đã đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa công tác phối hợp, Tổng Kiểm toán nhà nước đã đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước trong việc yêu cầu và giao nhiệm vụ kiểm toán cho Kiểm toán Nhà nước khu vực XII thực hiện kiểm toán các đề án, chương trình, dự án quan trọng của địa phương. Việc này phục vụ cho HĐND tỉnh trong việc giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ cho HĐND tỉnh trong thực thi nhiệm vụ và quyền hạn.

Người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước trong việc giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Kiểm toán viên (KTV) trên địa bàn và phản ánh kịp thời để Kiểm toán Nhà nước có thể xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có). Điều này giúp đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ KTV để có thể đáp ứng những yêu cầu khi được các địa phương yêu cầu tham gia các vấn đề về dự toán, quyết toán và tham gia các văn bản liên quan đến tài chính ngân sách, tham gia các đoàn giám sát ngân sách tại các địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về Kiểm toán Nhà nước, Chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước; nhất là Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/02/2023 cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII trong thời gian tới.

Đặc biệt, người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước cho biết, Kiểm toán Nhà nước sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (nhất là công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư mua sắm công nghệ thông tin...) cũng như những sai sót được phát hiện qua kiểm toán để các tỉnh tham khảo.

Cùng với các Quy chế phối hợp công tác với HĐND, UBND đã được ký kết và thực hiện nghiêm túc tại nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, KTNN đã thể hiện một thông điệp nhất quán, luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương với mục tiêu “Vì một nền tài chính Quốc gia minh bạch, bền vững”, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, qua đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của đất nước.

Đánh giá về ý nghĩa của hội nghị, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Kon Tum cho hay, thông qua các hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán nhà nước nói chung và Kiểm toán nhà nước Khu vực XII nói riêng đã giúp tỉnh Kon Tum kịp thời rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các đơn vị, địa phương theo đúng quy định, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cũng bày tỏ, tỉnh Đắk Lắk mong rằng Kiểm toán nhà nước và 4 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai Quy chế phối hợp công tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Kiểm toán nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lắp và triển khai thực hiện công tác kiểm toán theo quy định; tư vấn cho địa phương cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.

Dự kiến, trong thời gian tới, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến công tác tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước nhằm tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, qua đó đưa ra các giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng kiểm toán, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-thuc-day-cong-tac-phoi-hop-tai-4-tinh-tay-nguyen-252086.html