Kiểm toán Nhà nước và Đồng bằng Sông Cửu Long cam kết nâng tầm hợp tác

Sự phối hợp tích cực, hiệu quả và sự hỗ trợ từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành xuất sắc kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước đã ký kết Quy chế phối hợp (sửa đổi, bổ sung) với Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho các cá nhân có đóng góp tích cực. (Ảnh: Vietnam+)

Kiểm toán Nhà nước đã ký kết Quy chế phối hợp (sửa đổi, bổ sung) với Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho các cá nhân có đóng góp tích cực. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 15/11, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, đã chủ trì Hội nghị Sơ kết Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long).

Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đồng thời đề xuất giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công tại địa phương.

Tại đây, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác phối hợp. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước không chỉ khẳng định những ưu điểm, việc làm đúng quy định mà còn chỉ ra tồn tại, hạn chế, sai sót trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

“Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra ý kiến đánh giá khách quan về dự toán, quyết toán ngân sách địa phương, tạo cơ sở quan trọng cho Hội đồng Nhân dân các tỉnh phê chuẩn quyết toán, quyết định dự toán ngân sách. Sự phối hợp tích cực, hiệu quả và sự hỗ trợ từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành xuất sắc kế hoạch kiểm toán hàng năm,” ông Khương nói.

Báo cáo sơ kết tại Hội nghị đã điểm lại những thành công và chỉ ra hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là cần tăng cường phối hợp để tránh chồng chéo trong xây dựng kế hoạch kiểm toán giữa Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra địa phương. Việc trao đổi thông tin giữa các bên và đôn đốc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng cần được cải thiện.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh đã phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được trong việc triển khai Quy chế phối hợp và đề xuất định hướng hợp tác. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, cho biết việc ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp là rất thiết thực, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chỉ đạo, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước đúng quy định, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, mong muốn Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, xã hội và pháp luật đang thay đổi.

 Tổng Kiểm toán Nhà nước tin tưởng Quy chế sẽ tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng Kiểm toán Nhà nước tin tưởng Quy chế sẽ tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao hiệu quả của Quy chế, khẳng định Quy chế đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cho Kiểm toán Nhà nước khu vực IX về nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương; Tăng cường phối hợp xây dựng dự toán ngân sách địa phương; Đẩy mạnh việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; Chủ động tham gia giám sát, tư vấn.

Đối với các địa phương, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh 6 nội dung phối hợp, về xây dựng kế hoạch kiểm toán đảm bảo tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, tránh chồng chéo; Phối hợp trong quá trình thực hiện kiểm toán, cử cán bộ có năng lực, trao đổi thẳng thắn, nâng cao chất lượng báo cáo và giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán; Triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, xử lý tài chính, xác định trách nhiệm, kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật bất cập; Cập nhật kiến thức cho đại biểu dân cử về quản lý tài chính công, tài sản công, khuôn khổ pháp lý về kiểm toán; Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu để đổi mới phương thức hoạt động kiểm toán; Hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước khu vực tham gia các đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân liên quan đến quản lý tài chính công, tài sản công.

Tổng Kiểm toán Nhà nước tin tưởng Quy chế sẽ tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, Kiểm toán Nhà nước đã ký kết Quy chế phối hợp (sửa đổi, bổ sung) với Thường trực Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho các cá nhân có đóng góp tích cực.

Quy chế phối hợp: Gồm 3 chương, 10 điều, quy định về phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, giám sát, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Kiểm toán Nhà nước khu vực IX: Đã triển khai Quy chế phối hợp từ năm 2008. Đây là lần đầu tiên công tác sơ kết được tổ chức ở cấp ngành với sự tham dự của Tổng Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các địa phương.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kiem-toan-nha-nuoc-va-dong-bang-song-cuu-long-cam-ket-nang-tam-hop-tac-post993670.vnp