Kiểm toán nhà nước Việt Nam – Lào: Thắt chặt hợp tác, thúc đẩy minh bạch tài chính công

Tiếp nối truyền thống hợp tác hơn 2 thập kỷ qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam và KTNN Lào vừa tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công. Đây không chỉ là dịp để làm rõ hơn vai trò của cơ quan KTNN trong việc tham gia lập kế hoạch ngân sách và giám sát tài chính công mà còn khẳng định trách nhiệm chung trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng nguồn lực công.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chung giữa hai Cơ quan KTNN Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: X.HỒNG

Các đại biểu tham dự Hội nghị chung giữa hai Cơ quan KTNN Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: X.HỒNG

Chia sẻ kinh nghiệm về hai chủ đề quan trọng

Kể từ Thỏa thuận hợp tác song phương đầu tiên ký kết vào tháng 11/2000, KTNN Việt Nam và KTNN Lào đã không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ. Hai bên đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm kỹ thuật về các nội dung cùng quan tâm như: Xây dựng và sửa đổi Luật KTNN; phát triển tổ chức bộ máy; hoàn thiện khung pháp lý và chuẩn mực kiểm toán; kiểm toán ngân sách, tài sản nhà nước; kiểm toán đơn vị hành chính - sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước; kiểm toán đầu tư xây dựng; kiểm toán nợ công, chương trình phát triển nông thôn mới; cũng như phương thức quản lý nội bộ cơ quan KTNN…

Toàn cảnh Hội nghị chung giữa hai Cơ quan KTNN Việt Nam - Lào. Ảnh: X.HỒNG

Toàn cảnh Hội nghị chung giữa hai Cơ quan KTNN Việt Nam - Lào. Ảnh: X.HỒNG

Kế thừa truyền thống hợp tác tốt đẹp hơn 2 thập kỷ qua, Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm lần này tập trung chuyên sâu về hai chủ đề: Thứ nhất, sự tham gia của KTNN vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước (NSNN). Thứ hai, cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Hội nghị chuyên môn giữa KTNN Việt Nam và KTNN Lào được tổ chức nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn công tác KTNN Lào. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn cũng đã thăm, làm việc với KTNN khu vực IV và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Ông Trần Chí Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Việt Nam - cho biết, vai trò của KTNN trong chu kỳ ngân sách đã được quy định cụ thể trong Luật NSNN và các văn bản pháp lý liên quan. Thời gian qua, thông qua việc đưa ra các ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương, KTNN đã cung cấp thông tin độc lập, khách quan cho Quốc hội, giúp quá trình xem xét và quyết định ngân sách thêm hiệu quả; đồng thời hỗ trợ Chính phủ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự toán trình Quốc hội. Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng ngân sách có thêm căn cứ để lập kế hoạch tài chính hằng năm, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc giải trình, thực hiện và đánh giá kết quả. Vai trò và vị thế của KTNN vì thế ngày càng được khẳng định rõ nét, đúng với định hướng giá trị: “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả - Gia tăng giá trị”.

Về nội dung theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán, ông Trung chia sẻ: KTNN Việt Nam đã đẩy mạnh cải tiến quy trình và phương pháp theo dõi để gia tăng tỷ lệ thực hiện các kiến nghị sau kiểm toán, xem đây là một nhiệm vụ chiến lược nhằm gia tăng giá trị và tác động của hoạt động kiểm toán đối với xã hội và nền kinh tế. Thống kê cho thấy, các kiến nghị tài chính và xử lý khác của KTNN hằng năm có tỷ lệ thực hiện dao động từ 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán. Đặc biệt, giai đoạn gần đây, tỷ lệ này tiếp tục tăng cao.

Để đạt được hiệu quả như vậy, KTNN Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: xây dựng kế hoạch kiểm toán theo hướng tinh gọn, ưu tiên các lĩnh vực trọng yếu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng kiểm toán; đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống quy trình, tài liệu hướng dẫn; và quan trọng hơn cả là tăng cường kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán sau khi báo cáo đã được ban hành.

Làm rõ thêm các vấn đề cùng quan tâm

Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trực tiếp chia sẻ và làm rõ thêm các nội dung mà phía KTNN Lào đặc biệt quan tâm. Liên quan đến việc đánh giá dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: KTNN tiến hành kiểm tra mức độ tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình xây dựng dự toán, đồng thời phân tích sâu khả năng thực hiện, sát với thực tế quản lý ngân sách quốc gia.

Với dự toán thu ngân sách, KTNN tập trung vào phân tích ảnh hưởng của các chính sách thuế, phí, cơ chế tài chính đến nguồn thu; đánh giá các nguồn thu mới, đặc biệt từ các doanh nghiệp mới thành lập, nhà máy, cơ sở sản xuất - kinh doanh… để tính toán xem mức dự toán có phù hợp với khả năng thực hiện của các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Về chi đầu tư, KTNN rà soát quy trình bố trí vốn, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật về đầu tư công. Về chi thường xuyên, cơ quan kiểm toán xem xét việc phân bổ kinh phí có tuân thủ định mức, tiêu chuẩn không, nhất là ở các lĩnh vực có tỷ lệ chi lớn như giáo dục, bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ…

Đối với việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ: Năm 2023, lần đầu tiên Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia phiên giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện các kết luận và kiến nghị kiểm toán. Năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước lần đầu tiên tham gia chất vấn trước Quốc hội - báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước về vai trò, sứ mệnh và hoạt động của KTNN trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình, giám sát quản lý tài chính - tài sản công. Nhiều câu hỏi tại nghị trường xoay quanh hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, qua kiểm toán, KTNN Việt Nam thường đưa ra ba nhóm kiến nghị chính: kiến nghị xử lý tài chính (thu hồi, nộp ngân sách, khắc phục sai phạm); kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật; và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm, gây lãng phí, thất thoát.

“KTNN là 1 trong 6 cơ quan có ý kiến về nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Năm vừa qua, chúng tôi đã cho ý kiến khoảng 3.500 nhân sự” - Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

Thay mặt KTNN Lào, Chủ tịch Viengthavisone Thephachanh bày tỏ cảm ơn chân thành tới Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và KTNN Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu liên quan đến hai chủ đề mà KTNN Lào đang triển khai. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: Việc KTNN Lào tham gia xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm là nội dung mới, được quy định trong Hiến pháp sửa đổi của nước bạn. “Đây là bài học có ý nghĩa rất lớn để KTNN Lào có thể tiếp thu, vận dụng trong công tác kiểm toán và tham gia góp ý ngân sách nhà nước”, Chủ tịch KTNN Lào chia sẻ.

Về phương hướng hợp tác thời gian tới, Chủ tịch KTNN Lào bày tỏ mong muốn KTNN Việt Nam tiếp tục chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường các hình thức trao đổi chuyên môn, cập nhật kỹ thuật mới, phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên đề. Hai bên sẽ cùng thống nhất các nội dung theo Thỏa thuận hợp tác đã ký kết, tiếp tục làm sâu sắc thêm tinh thần đoàn kết đặc biệt, hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai cơ quan kiểm toán tối cao./.

HỒNG NHUNG - THANH XUYÊN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam-lao-that-chat-hop-tac-thuc-day-minh-bach-tai-chinh-cong-41869.html