Kiểm toán như thế nào với các dự án PPP?

Ngày 28-5, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tại phiên họp, nội dung kiểm toán thế nào với các dự án được đầu tư theo phương thức PPP đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội.

Một số ý kiến cho rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân trong dự án. Một số ý kiến khác cho rằng, dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm nào, giai đoạn nào thực hiện kiểm toán dự án PPP, tránh gây khó khăn trong hoạt động của dự án...

Báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công-tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển...

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhấn mạnh, để xác định nên kiểm toán toàn bộ hay chỉ một phần thì cần xác định rõ bản chất của dự án PPP là đầu tư công hay không phải đầu tư công.

Đại biểu cho rằng dự án PPP là đầu tư công vì dự án thực hiện theo phương thức PPP do Nhà nước chủ trì mời gọi thêm các nhà đầu tư tham gia. Dự án được lập dựa trên chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước. Chỉ khác là, Nhà nước chưa có tiền làm ngay nên cần có sự hợp tác. Ngoài ra, đây là dự án đầu tư công bởi vì dự án này do các cấp có thẩm quyền quyết định (Quốc hội, Thủ tướng, HĐND...)

“Bản chất của hợp tác công tư là đầu tư công. Đã là đầu tư công thì phải tuân thủ hoạt động Kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán", đại biểu Phương nhấn mạnh.

Theo đại biểu tỉnh Ninh Bình, với các dự án thực hiện theo phương thức hợp tác công tư PPP, có 3 vấn đề cần kiểm toán. Thứ nhất, kiểm toán xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật không; đúng hợp đồng, đúng quy chế dự án hay không? Thứ hai là kiểm toán giá trị công trình để tính toán hiệu quả dự án. Thứ ba, là kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án.

Đại biểu phân tích, Nhà nước khi kêu gọi hợp tác công tư PPP thì phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không bao giờ để nhà đầu tư phải thua thiệt. Khi đã làm đúng thì không có việc gì phải ngại kiểm toán, ngại thanh tra, ngại kiểm tra. Nếu kiểm toán một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm đúng, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, tăng lên hoặc giảm đi thì người dân không bao giờ có ý kiến hoặc nghi ngờ...

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) kiến nghị, để nâng cao vai trò, hiệu quả của luật, cần phải cho Kiểm toán Nhà nước tham gia ngay từ đầu để quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ cơ sở của việc không quy định tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh quản lý nhằm góp phần phân loại dự án phù hợp với đặc thù của dự án đầu tư PPP.

“Việc bổ sung cụ thể vai trò kiểm toán trong dự án luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, sẽ giúp cho nhà nước thực hiện giám sát độc lập, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả với công tác đầu tư PPP, không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân, qua đó tạo động lực quan trọng cho đầu tư phát triển”, đại biểu nêu quan điểm.

Đánh giá kiểm toán trong thời gian qua đã góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, lãng phí, giảm bớt gánh nặng cho người dân, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị cần có khung pháp lý ổn định, bảo đảm sự tham gia của các cấp, các ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích cho nhà nước, nhà đầu tư và người dân, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư, cạnh tranh công khai, minh bạch, thu hút được vốn đầu tư một cách minh bạch.

 Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng dự án PPP mang tính chất đặc thù, vừa công vừa tư, nên không thể áp dụng kiểm toán công toàn bộ hay tư toàn bộ. Theo đại biểu, kiểm toán phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp luật, hiến pháp. Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét thời điểm xác định tiến hành kiểm toán và chỉ nên kiểm toán ở giai đoạn khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cũng cho rằng, luật PPP theo hình thức đối tác công tư chứ không phải đầu tư công, đều có vốn nhà nước và tư nhân. Chỉ khi hết quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước toàn bộ mới là tài sản công 100%. Do đó, việc kiểm toán toàn diện là không hợp lý vì có dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ giao đất đai, mặt bằng. "Việc kiểm toán chỉ nên ở các tài sản công, còn phần vốn đầu tư tư nhân sẽ kiểm toán giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra", đại biểu kiến nghị.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/kiem-toan-nhu-the-nao-voi-cac-du-an-ppp-619135