Kiểm toán từ xa - Giải bài toán thu thập và xử lý dữ liệu

Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam có thể lựa chọn một số đơn vị triển khai thực hiện kiểm toán từ xa (KTTX) dựa trên dữ liệu lớn và đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng. Trong đó, ưu tiên việc phân tích đối chiếu các dữ liệu quốc gia đã sẵn sàng kết nối như thuế, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, tín dụng…

Kiểm toán từ xa hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ. Ảnh: TL

Kiểm toán từ xa hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ. Ảnh: TL

Chuẩn hóa dữ liệu và mở rộng quyền truy cập

Để đẩy mạnh KTTX, nhất là trong giai đoạn đại dịch, mỗi quốc gia có mức độ chuẩn bị khác nhau, trong đó ưu tiên sử dụng các khoản đầu tư vào công nghệ để tạo nền tảng làm việc từ xa. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan kiểm toán đều phải đối mặt với những thách thức chung như: đảm bảo kết nối và bảo mật dữ liệu, cấu hình phần cứng và phần mềm, tìm nền tảng phù hợp để đáp ứng nhu cầu giao tiếp trực tuyến và phát triển các quy trình làm việc mới.

KTNN Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và hình thành cơ sở dữ liệu lớn về đơn vị được kiểm toán để lưu trữ, tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán.

Giải quyết những thách thức này, các cơ quan kiểm toán từng bước chuyển đổi mô hình làm việc theo hướng kết hợp giữa từ xa và tại chỗ dựa trên công nghệ, ứng dụng AI và phân tích dữ liệu lớn. Bốn vấn đề cốt lõi để KTTX được triển khai hiệu quả gồm: Khung pháp lý; an toàn thông tin; kiểm soát chất lượng kiểm toán; hướng dẫn kiểm toán.

Kiểm toán viên cần được cấp quyền truy cập và đối chiếu với nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Ảnh minh họa

Kiểm toán viên cần được cấp quyền truy cập và đối chiếu với nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Ảnh minh họa

KTNN Nga đã triển khai Hệ thống phân tích thông tin (IAS) tích hợp với cơ sở dữ liệu của Chính phủ cho phép kiểm toán viên (KTV) truy cập cơ sở dữ liệu liên tục, đầy đủ, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, giảm thời gian tiếp nhận thông tin theo yêu cầu, loại bỏ tài liệu giấy, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tăng cường phân tích dữ liệu, chuẩn bị báo cáo. Từ khi vận hành IAS đến nay, KTNN Nga có thể truy cập dữ liệu trực tiếp của hơn 500 cơ quan nhà nước ngay từ giai đoạn đầu của quá trình kiểm toán. Qua đó, KTV xác định các thực thể có nguy cơ vi phạm cao nhất và điều chỉnh trọng tâm kiểm toán cho phù hợp.

Kinh nghiệm của KTNN Nga cho thấy, phải có một khung pháp lý rõ ràng, đảm bảo cơ quan kiểm toán có quyền: Truy cập cơ sở dữ liệu bất cứ lúc nào; yêu cầu thông tin chi tiết về dữ liệu liên quan đến các hoạt động đang được xem xét; đưa ra các khuyến nghị liên quan đến dữ liệu (cả nội dung và tổ chức); yêu cầu cung cấp dữ liệu theo một số định dạng nhất định.

Tương tự, KTNN Thái Lan (SAO) cho rằng, quyền truy cập dữ liệu bị hạn chế, các thỏa thuận làm việc từ xa và tình trạng gián đoạn hoạt động là những cản trở chính đối với KTTX và giải pháp duy nhất là tận dụng các công nghệ kiểm toán. Theo đó, SAO đã nghiên cứu mô hình kiểm toán AI dựa trên hệ thống dữ liệu và được tinh chỉnh để thực hiện các tác vụ đặc biệt liên quan đến mỗi loại hình kiểm toán khác nhau. Mô hình AI này giúp KTV trong quá trình KTTX có thể nhanh chóng xử lý lượng dữ liệu lớn và phức tạp, mang lại tính chính xác cao. Để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và KTTX nói riêng, SAO còn chú trọng vào việc liên tục đổi mới, sáng tạo, tinh chỉnh các mô hình AI cho phù hợp và cập nhật chúng với các dữ liệu mới để hoạt động kiểm toán đạt được hiệu quả cao nhất.

Với cơ quan Kiểm toán tối cao Trung Quốc (CNAO), một trong những thách thức lớn nhất của KTTX là việc thu thập dữ liệu từ các hệ thống kế toán và kinh doanh khác nhau của đối tượng được kiểm toán. Các hệ thống này chứa đựng chứng từ kế toán điện tử và dữ liệu giao dịch gốc, nhưng được thiết kế cơ sở dữ liệu và cấu trúc rất phức tạp, không đồng nhất. Để giải quyết thách thức này, CNAO đã phối hợp cùng các chuyên gia quốc tế trong việc chuẩn hóa nội dung và định dạng các dữ liệu kiểm toán kỹ thuật số.

Từ năm 2015, các chuyên gia Trung Quốc đã thiết kế một tiêu chuẩn “Thu thập dữ liệu kiểm toán” nhằm phục vụ kiểm toán tài chính và doanh nghiệp. Tiêu chuẩn này đã được công bố chính thức năm 2019 và được đánh số là ISO 21378:2019. Đồng thời, CNAO đã công bố các chuẩn giao tiếp dữ liệu mà các phần mềm kế toán phải tuân thủ khi làm việc với CNAO. Ngoài ra, CNAO đã thành lập Ủy ban Dự án thu thập dữ liệu kiểm toán, Ủy ban Công nghệ phục vụ dữ liệu kiểm toán và phê duyệt Dự án thu thập dữ liệu kiểm toán (năm 2019). Đây là bước đi quan trọng để thúc đẩy và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế giao tiếp dữ liệu kế toán và kiểm tra của CNAO.

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại

Từ thực tế triển khai hoạt động KTTX của KTNN của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, KTNN Việt Nam có thể tiếp cận với KTTX bằng cách triển khai thực hiện thí điểm dựa trên các dữ liệu lớn và đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ tương ứng. Luật KTNN số 81/2015/QH13 quy định, khi thực hiện kiểm toán, Trưởng Đoàn KTNN được quyền truy cập, khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên Đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán. Như vậy, cơ sở pháp lý cho việc tiếp cận, cung cấp dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán - yếu tố then chốt của KTTX - đã được hình thành.

Theo ThS. Vũ Thị Minh Thu - Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, để thực hiện KTTX, cả KTNN và đơn vị được kiểm toán cần có hệ thống công nghệ phù hợp và đáp ứng yêu cầu; dữ liệu được số hóa đầy đủ, chính xác; có các biện pháp bảo mật dữ liệu, mã hóa thông tin để tránh rò rỉ hoặc mất mát dữ liệu; tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt là quy định về tính an toàn và bảo mật dữ liệu.

Hạ tầng dữ liệu thông tin của KTNN cần được xây dựng đầy đủ, hiện đại và phù hợp làm nền tảng cho việc hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về đơn vị được kiểm toán. Các phần mềm, công cụ phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, xác định mức rủi ro, trọng yếu kiểm toán hỗ trợ công tác lập kế hoạch cũng như giúp KTV thực hiện các kỹ thuật kiểm toán và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, hướng tới kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn.

Bên cạnh đó, KTNN cần thiết lập các quy định về việc truy cập hệ thống thông tin của các cơ quan đã hình thành hệ thống dữ liệu (như hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS, hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, hệ thống quản lý thuế tập trung TMS...) hoặc hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của các đầu mối kiểm toán quan trọng. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn KTTX để áp dụng chung cho các đoàn kiểm toán trong tương lai.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhân lực về công nghệ chính là lực lượng quyết định tốc độ phát triển KTTX của cơ quan kiểm toán. Vì vậy, KTNN cần có kế hoạch và lộ trình riêng để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong hoạt động kiểm toán với đầy đủ 3 chức năng quan trọng: Phát triển hệ thống công nghệ thông tin; phân tích dữ liệu; chuẩn hóa dữ liệu thu thập từ các KTNN chuyên ngành, khu vực./.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-tu-xa-giai-bai-toan-thu-thap-va-xu-ly-du-lieu-39563.html