Kiểm tra chuyên ngành từ doanh nghiệp sang mặt hàng sẽ tháo gỡ những bất cập hiện nay
Chỉ từ một vụ việc cụ thể, những bất hợp lý trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đã được nhìn thấy rõ. Vấn đề này có thể được tháo gỡ như thế nào tại Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu triển khai Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ? Phóng viên đã phỏng vấn ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đã thông tin cụ thể.
Hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vừa được thông quan sau hơn 1 tháng chờ làm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm. Xung quanh sự việc này, xin ông cho biết cụ thể quá trình xử lý thông quan lô hàng?
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 5315/TCHQ-GSQL ngày 9/11/2021, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động liên hệ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố. Hồ Chí Minh để hướng dẫn thủ tục liên quan đến lô hàng và cho đưa hàng hóa về bảo quản để đảm bảo chất lượng trong khi chờ thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm để thông quan.
Sau khi Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế có công văn số 2178/ATTP-KN thông báo kết quả kiểm tra lô hàng nêu trên do Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh thực hiện đạt theo quy định hiện hành, trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã đăng ký tờ khai cho lô hàng lúc 11 giờ ngày 15/11/2021 và lô hàng đã cơ quan Hải quan thông quan theo đúng quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm vào lúc 15 giờ cùng ngày.
Từ sự việc trên, ông có thể phân tích cụ thể hơn về một số bất hợp lý cần sửa đổi để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra an toàn thực phẩm?
Sữa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, khi làm thủ tục cơ quan Hải quan sẽ căn cứ vào giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm do cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế cấp để thông quan hàng hóa. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc làm kéo dài tới quá trình thông quan.
Theo Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Lô hàng sữa hộp viện trợ này không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra, trừ trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng cho phép nhập khẩu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp; và cũng theo quy định tại Điều 6, 7, 8 của Nghị định thì mặt hàng sữa dành cho trẻ em đến 36 tháng tuổi phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm. Người nhập khẩu phải thực hiện đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định và nộp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do cơ quan này cấp để được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan hàng hóa.
Việc thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm như trên được thực hiện cho từng doanh nghiệp; không áp dụng đối với hàng hóa cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì của các doanh nghiệp khác đã nhập khẩu trước đó. Điều này đã làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa.
Không chỉ mặt hàng sữa, mà còn một số mặt hàng thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khác cũng phát sinh vướng mắc tương tự.
Vì bất cập đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hiện nay dự thảo Nghị định đang trình Chính phủ để lấy các ý kiến thành viên Chính phủ chờ ban hành. Theo Nghị định này thì đối với mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, sữa dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi như các mặt hàng đã làm thủ tục nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được quản lý theo mặt hàng.
Theo đó, trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ đăng ký bản công bố sản phẩm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện việc kiểm tra và cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm kèm mã số đăng ký và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mã số đăng ký này để thực hiện việc khai hải quan.
Đối với các mặt hàng nhập khẩu giống hệt, các lần nhập khẩu sau doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục Đăng ký công bố sản phẩm nữa mà căn cứ trên mã số đăng ký đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) để làm thủ tục thông quan.
Qua đó tương tự như vậy nếu như lô hàng sữa do đồng bào ở Úc tài trợ nếu như đã được cấp mã số đăng ký, doanh nghiệp sẽ không phải gặp những vướng mắc như thời gian vừa qua.
Xin ông cho biết về cụ thể quá trình xây dựng Nghị định đến nay?
Nghị định này đang hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Cơ quan Hải quan cũng xây dựng theo hướng ứng dụng đầy đủ công nghệ thông tin thực hiện các thủ tục trên NSW và các thủ tục hành chính khi thực hiện khai, gửi thông tin toàn bộ sẽ gửi qua hệ thống và cơ quan quản lý nhà nước khi tiếp nhận và xử lý thông tin sẽ trả kết quả trên NSW, cũng như ứng dụng cơ chế quản lý rủi ro, áp dụng chính sách kiểm tra nhà nước theo mặt hàng, không theo doanh nghiệp.
Mặc dù dự thảo Nghị định quy định nhiều nội dung cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng một số bộ, ngành còn ý kiến chưa nhất trí với dự thảo Nghị định.Với những nội dung này đã được giải trình cụ thể và xin ý kiến các thành viên Chính phủ.