Kiểm tra công tác chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó mưa, lũ năm 2022 tại huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng
Ngày 16/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh do Chi Cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi - ông Huỳnh Văn Nam làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó mưa, lũ năm 2022 tại huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, tỉnh Long An
Nội dung làm việc của đoàn công tác gồm kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với mưa, lũ năm 2022; tiến độ sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông năm 2022; tình hình thiệt hại thiên tai do mưa lũ, lốc xoáy xảy ra tại địa phương; hiện trạng hệ thống đê bao bảo vệ khu dân cư, bờ bao lửng chống lũ tháng 8; khảo sát thực tế các tuyến đê bao xung yếu, bờ bao lửng, khu vực xung yếu có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ nội đồng; kế hoạch, tiến độ thực hiện đầu tư, tu bổ, nâng cấp cấp bách hệ thống đê bao bảo vệ khu dân cư, bờ bao lửng phục vụ chống lũ nội đồng; tình hình thực hiện công tác lập Kế hoạch thu Quỹ phòng, chống thiên tai và đề xuất Kế hoạch sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2022; tình hình triển khai củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Theo số liệu thống kê, lúa Hè Thu tại vùng Đồng Tháp Mười đã gieo sạ 149.182ha/145.380ha (đạt 102% so với kế hoạch), trong đó thu hoạch 128.217ha (đạt 86% so với diện tích gieo sạ). Lúa Thu Đông ở vùng Đồng Tháp Mười đang gieo sạ 36.485ha/23.900ha, trong đó đã thu hoạch 848ha. Riêng, huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng có diện tích lúa Hè Thu gieo sạ là 64.457ha, trong đó thu hoạch 63.146ha; lúa Thu Đông gieo sạ 8.553ha tập trung ở huyện Tân Hưng. Theo báo cáo huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, diện tích lúa Hè Thu 2022 sẽ không bị ảnh hưởng và diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm đến 20/8/2022.
Dịp này, huyện Tân Hưng đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư tuyến đê bao Kênh 61, xã Vĩnh Đại, chiều dài 2,950 km, phục vụ bảo vệ cho 450ha lúa. Huyện Vĩnh Hưng đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh quan tâm hỗ trợ cho huyện để triển khai thực hiện các công trình sửa chữa, nâng cấp bờ kênh ranh của xã Vĩnh Trị, với kinh phí ước 850 triệu đồng.
Chi Cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Huỳnh Văn Nam đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, mực nước để kịp thời thông báo đến người dân; không được lơ là, chủ quan, đồng thời phải khoanh vùng những chỗ xung yếu để có phương án ứng phó kịp thời; rà soát các khu vực sẽ bị ảnh hưởng của lũ; vận động người dân chung tay phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân không được xuống giống vụ Thu Đông khi chưa có đê bao khép kín, không chủ động được nguồn nước,... Riêng những kiến nghị của hai địa phương, đoàn sẽ ghi nhận và báo cáo về cấp trên./.