Kiểm tra công tác dạy học tiếng dân tộc thiểu số tại Gia Lai

Gia Lai là địa phương có tỉ lệ học sinh người dân tộc thiểu số hơn 46%, trong đó 2 dân tộc có tiếng nói, chữ viết là Bahnar và Jrai.

Đoàn kiểm tra tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TT)

Đoàn kiểm tra tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TT)

Ngày 17/7, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc làm trưởng đoàn tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Quyết định 142/QĐ-TTg ngày 27/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030" tại tỉnh Gia Lai.

 Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai trao đổi với Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT. (Ảnh: TT)

Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai trao đổi với Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT. (Ảnh: TT)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 1,6 triệu người với 44 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23% (699.791 người). Trong đó, người Jrai là 30,37%, Bahnar 12,51%. Đây cũng là 2 DTTS có tiếng nói, chữ viết riêng.

 Phó trưởng phòng GD&ĐT Chư Păh Nguyễn Đình Phước báo cáo công tác dạy tiếng DTTS trên địa bàn. (Ảnh: TT)

Phó trưởng phòng GD&ĐT Chư Păh Nguyễn Đình Phước báo cáo công tác dạy tiếng DTTS trên địa bàn. (Ảnh: TT)

Địa phương này cũng tổ chức dạy tiếng DTTS đối với 2 dân tộc này tại 5 trường phổ thông có cấp tiểu học tại 3 huyện: Chư Păh, Đắk Đoa, An Khê và TP Pleiku. Trong đó, có 2 trường dạy tiếng Jrai với 9 lớp và 226 học sinh. Tiếng Bahnar có 3 trường với 10 lớp và 315 học sinh.

 Ông Trần Bá Công - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai trao đổi tại buổi làm việc với huyện Chư Păh. (Ảnh: TT)

Ông Trần Bá Công - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai trao đổi tại buổi làm việc với huyện Chư Păh. (Ảnh: TT)

Theo ông Trần Bá Công - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, dạy học tiếng nói, chữ viết Bahnar, Jrai là một trong những trụ cột trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh người DTTS được học tiếng mẹ đẻ của mình là quá thấp (chưa đến 0,1%) cho thấy, nhiệm vụ này còn nhiều khó khăn.

Một trong những vấn đề mà đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT chỉ ra đó là việc bố trí tiết dạy cho giáo viên và chi trả phụ cấp đối với đội ngũ dạy tiếng DTTS.

 Thầy giáo ADRIS - Trường tiểu học Hà Tây, Chư Păh hiện chỉ nhận được 30% phụ cấp. (Ảnh: TT)

Thầy giáo ADRIS - Trường tiểu học Hà Tây, Chư Păh hiện chỉ nhận được 30% phụ cấp. (Ảnh: TT)

Cụ thể, tại Trường tiểu học Hà Tây, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, có 1 giáo viên dạy 2 tiết tiếng Bahnar với thời lượng 2 tiết/1 tuần. Hiện nay, thầy giáo chỉ được nhận phụ cấp 30%. Tuy nhiên, theo quy định, giáo viên này phải được chi trả 50%, vì Hà Tây là xã đặc biệt khó khăn.

Lý giải về điều này, ông Cao Trịnh Dũ Hoài - Phó Trưởng phòng Tài chính huyện Chư Păh cho rằng, giáo viên này đang nhận phụ cấp 70%, nếu chi trả thêm 50% thì lương quá cao.

"Hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, địa phương căn cứ các văn bản hiện hành, rà soát, nếu 1 giáo viên có nhiều phụ cấp thì cho hưởng cái cao nhất", ông Hoài lý giải.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị phòng GD&ĐT, phòng Tài chính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Tây kiểm tra, đối chiếu lại các văn bản. Theo quy định, giáo viên ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi dạy thêm tiếng DTTS thì được hưởng 50% phụ cấp (tính theo mức lương cơ bản).

"Nếu chi trả 30% thì không đúng quy định hiện hành. Các văn bản đã hướng dẫn rõ ràng, cái gì thuộc về chính sách cho đội ngũ nhà giáo thì phải nghiên cứu, thực hiện đầy đủ. Có như vậy mới động viên được thầy cô giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương", ông Thanh nêu.

 Một tiết dạy tiếng Bahnar tại Gia Lai. (Ảnh: GV)

Một tiết dạy tiếng Bahnar tại Gia Lai. (Ảnh: GV)

Trong buổi làm việc với Sở GD&ĐT Gia Lai, địa phương này cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn như: cơ sở vật chất hầu như chưa đáp ứng dạy học; đội ngũ giáo viên chưa được bồi dưỡng theo chuẩn...

Từ kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh Gia Lai bổ sung các minh chứng liên quan, nhất là hồ sơ của đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS. Đồng thời đề nghị, trên cơ sở thực tế hiện có, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, mở thêm nhiều lớp dạy tiếng Jrai, Bahnar cho học sinh.

 Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị Gia Lai tăng cường quy mô, chất lượng dạy học tiếng DTTS trên địa bàn để học sinh được thụ hưởng nhiều chính sách trong giáo dục. (Ảnh: TT)

Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị Gia Lai tăng cường quy mô, chất lượng dạy học tiếng DTTS trên địa bàn để học sinh được thụ hưởng nhiều chính sách trong giáo dục. (Ảnh: TT)

"Hiện nay chưa có đơn vị nào sản xuất đồ dùng, thiết bị dạy học tiếng DTTS, vì vậy, Sở, các phòng GD&ĐT có thể phát động phong trào, cuộc thi làm đồ dùng, thiết bị dạy học tiếng DTTS. Từng bước khắc phục khó khăn, nâng dần số lượng, chất lượng dạy học tiếng DTTS trên địa bàn", ông Thanh trao đổi.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kiem-tra-cong-tac-day-hoc-tieng-dan-toc-thieu-so-tai-gia-lai-post692017.html