Kiểm tra công tác giao đất, giao rừng ở huyện Tuần Giáo và Mường Nhé
ĐBP - Tiếp tục chương trình kiểm tra theo Kế hoạch 2046/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo tỉnh, ngày 27/7 các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo làm việc tại huyện Tuần Giáo và Mường Nhé về công tác giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023.
Đồng chí Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng đoàn công tác số 3 phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tuần Giáo. Ảnh Thu Hằng
Năm 2019, huyện Tuần Giáo thực hiện cấp GCNQSDĐ đất lâm nghiệp bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp được trên 990ha đất lâm nghiệp chưa có rừng cho 11 cộng đồng; trong 2 năm 2018, 2019 đã cấp GCNQSDĐ để trồng mắc ca với diện tích hơn 927,7ha (777ha là đất lâm nghiệp chưa có rừng). Hiện nay, UBND huyện Tuần Giáo đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật Dự án giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 với tổng diện tích hơn 47.560ha (gồm 6.737ha đất có rừng, trên 40.823ha đất chưa có rừng); tổng kinh phí thực hiện gần 14,260 tỷ đồng.
Vướng mắc trong công tác giao đất, giao rừng tại huyện Tuần Giáo là: Hồ sơ để rà soát đối với các diện tích rừng đã giao của một số xã còn thiếu, không đầy đủ, bị thất lạc, do vậy thiếu cơ sở để rà soát những diện tích rừng đã giao trước đây; nhiều hộ gia đình có toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, nếu giao đất lâm nghiệp thì người dân không còn đất sản xuất; phần lớn diện tích rừng chưa giao nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung dẫn đến khó đo vẽ bản đồ, xác định ranh giới thửa đất ngoài thực địa…
Đối với huyện Mường Nhé, đến nay đã giao hơn 7.982ha trên tổng số hơn 9.194ha đất lâm nghiệp có rừng cho 175 chủ rừng với 304 GCNQSDĐ. Diện tích 951ha chưa giao nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng sẽ được giao sau khi được đưa vào phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; hơn 261ha nằm trong quy hoạch 3 loại rừng nhưng chưa giao được do tranh chấp hoặc nhỏ lẻ manh mún… Qua rà soát huyện có hơn 12.592ha đất trống chưa có rừng trong quy hoạch rừng phòng hộ; hơn 17.078ha đất trống chưa có rừng sản xuất. Tổng diện tích đất trống chưa có rừng dự kiến giao cho 7.311 hộ gia đình, cá nhân. Cùng với đó công tác thống kê, kiểm kê đất đai, lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện đúng quy định: Đã giao và cấp GCNQSDĐ diện tích đất ở được hơn 200ha, chiếm 40,74% diện tích đất đo đạc đất ở; đã giao và cấp GCNQSDĐ được hơn 5.758ha đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời thu hồi 1.581ha đất để thực hiện 82 công trình dự án. Đối với dự án trồng mắc ca, đến nay Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mắc ca Tây Bắc đã trồng khoảng 600ha; triển khai và thực hiện đo đạc, quy chủ phục vụ cấp GCNQSDĐ và hỗ trợ giải phóng mặt bằng để được giao đất, thuê đất thực hiện dự án hơn 1.961ha. Qua rà soát, toàn huyện có hơn 27.484ha đất trống chưa có rừng để thu hút đầu tư triển khai thực hiện trồng rừng trên địa bàn huyện, gồm: hơn 13.250ha đất rừng sản xuất; hơn 10.990ha đất rừng phòng hộ và hơn 3.224ha đất nông nghiệp khác ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Huyện Tuần Giáo kiến nghị sớm phân bổ kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCSQSDĐ lâm nghiệp, trước mắt cấp bổ sung kinh phí cho huyện thực hiện năm 2021 là trên 2,1 tỷ đồng; hướng dẫn cách xác định mục đích sử dụng nguồn gốc sử dụng đất đối với đất nương rẫy nằm trong quy hoạch 3 loại rừng trong trường hợp cấp GCNQSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; tạo điều kiện cung cấp hồ sơ lưu trữ về giao đất, giao rừng theo Nghị định số 02/1994/NĐ-CP ngày 15/1/1994, Nghị định số 163/1999/NĐ-CP, ngày 16/11/1999, Quyết định số 520/1999/QĐ-UBND ngày 28/6/1999 cho huyện thực hiện đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ.
Đồng chí Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn công tác số 2 (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra dự án trồng mắc ca trên địa bàn xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé. Ảnh: Văn Tâm
Huyện Mường Nhé kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành sớm chỉ đạo, rà soát phê duyệt điều chỉnh diện tích rừng ngoài quy hoạch vào quy hoạch 3 loại rừng làm cơ sở giao đất, giao rừng đúng quy định. Sớm phê duyệt điều chỉnh dự án trồng mắc ca với quy mô từ 6 xã lên 11 xã trên địa bàn huyện. Ban hành quy định cụ thể chính sách về đất đai, hỗ trợ thu hồi đối với dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh. Dự án giao đất lâm nghiệp chưa có rừng và dự án trồng mắc ca cùng triển khai, dự báo sẽ khó khăn trong việc triển khai đo đạc, quy chủ và cấp GCNQSDĐ, do dự án trồng mắc ca chưa có phê duyệt dự án cụ thể…