Kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới tại Đà Nẵng

Chiều 17-10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai dẫn đầu kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới tại thành phố Đà Nẵng. Cùng đi có Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận; Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp (phải) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường kiểm tra tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp (phải) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường kiểm tra tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Kiểm tra tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nơi đang có hơn 1.000 tàu, thuyền các loại của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang neo đậu tránh trú áp thấp nhiệt đới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao thành phố đã triển khai quyết liệt, quyết tâm cao trong việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới, ngập lụt đô thị. Thứ trưởng đề nghị thành phố tiếp tục đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tăng cường kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì liên lạc với các tàu, thuyền đang ở trên biển; kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, đặc biệt là các ghe, thuyền nhỏ đánh bắt ở gần bờ, không được chủ quan với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão ở gần bờ.

Thứ trưởng lắng nghe báo cáo về tình hình ngập úng ở một số điểm trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, nhất là khu vực đường Mẹ Suốt và đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý ngập lụt đô thị. Người dân có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống lũ lụt, nhưng đừng để năm nào cũng phải chạy lụt, không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại nhiều tài sản. Đà Nẵng ở ven biển, có thuận lợi là khi mưa lớn gặp thủy triều thấp thì nước rút rất nhanh, nhưng có bất lợi là nếu thủy triều quá cao thì sẽ trở thành “đê” chắn nước, khó thoát ra được, gây ngập lụt cho thành phố. Vì thế, thành phố cần nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng này. Một thành phố phát triển, thành phố du lịch không thể để tình trạng này ảnh hưởng. Thành phố phải có chiến lược để thoát nước nhanh, chấp nhận bơm cưỡng bức ở một số chỗ.

H.H

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/kiem-tra-cong-tac-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-tai-da-nang-post285093.html