Kiểm tra giữa kỳ Ngữ văn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa có đúng?
Kể từ năm học 2022-2023 cho đến nay, một số địa phương đang yêu cầu các bài kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa kỳ; cuối kỳ) đều lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Vì thế, bắt đầu từ năm học 2022-2023 vừa qua cho đến nay, giáo viên Ngữ văn ở các nhà trường đã được tập huấn ma trận đề kiểm tra mới và được hướng dẫn không lấy ngữ liệu trong đã học trong sách giáo khoa để làm đề kiểm tra cuối học kỳ.
Điều đáng nói là một số địa phương có lẽ đang hiểu chưa đúng Công văn Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH dẫn đến triển khai cho bộ môn Ngữ văn thực hiện ở các nhà trường chưa được tường tận và đúng với hướng dẫn của Bộ vì yêu cầu không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa cho cả đề kiểm tra giữa kỳ.
Vậy, nên hiểu như nào về hướng dẫn: “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” khi ra đề Ngữ văn “cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học” ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông?
Công văn số 3175 không yêu cầu đề kiểm tra giữa kỳ lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (Ảnh: Nguyễn Đăng)
Đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ có được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề Ngữ văn?
Từ năm học 2022-2023 cho đến nay, việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn đối với những lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 6,7,8,10,11) bắt buộc theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.
Theo đó, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn như sau:
“Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật”.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu cuối học kỳ hay cuối năm học đều là bài kiểm tra cuối học kỳ vì mỗi học kỳ sẽ có 2 bài kiểm tra định kỳ, đó là: kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ. Kiểm tra cuối cấp học được hiểu là bài thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Người viết hiểu rằng những bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ, giáo viên vẫn có thể lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa cho phần đọc hiểu và phần viết như trước đây chứ không phải lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Bởi lẽ, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH chỉ giới hạn đối với đề kiểm tra cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học chứ không hề đề cập đến đề kiểm tra giữa kỳ- đây là 1 trong 2 bài kiểm tra định kỳ của cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Tuy nhiên, kể từ năm học 2022-2023 cho đến nay, một số địa phương đang yêu cầu giáo viên khi ra đề các bài kiểm tra định (kiểm tra giữa kỳ; cuối kỳ) đều lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Vì thế, nhiều khi giáo viên và học sinh gặp những khó khăn nhất định, nhất là ở cấp Trung học cơ sở- khi mà đối tượng học sinh còn quá nhỏ, đa phần các em chưa đủ khả năng cảm nhận những tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa.
Yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đối với bài giữa kỳ khiến cho giáo viên và học sinh gặp khó
Thực tế, mục đích của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH rất rõ ràng khi yêu cầu: “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".
Tuy nhiên, hiện nay cả 3 bộ sách giáo khoa Ngữ văn đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều có số lượng chủ đề tương đồng. Mỗi năm học có từ 9-10 chủ đề, mỗi học kỳ có từ 4-5 chủ đề. Trong đó, mỗi chủ đề có 4 văn bản; 1 bài tiếng Việt; 1 bài viết; 1 bài nói và nghe.
Thời điểm kiểm tra giữa kỳ, thầy và trò mới bước vào những tiết đầu tiên của chủ đề thứ 3 của học kỳ hoặc mới kết thúc chủ đề thứ 2 nên việc một số địa phương yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đối với cả bài kiểm tra giữa kỳ môn Ngữ văn sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Chẳng hạn như Ngữ văn lớp 8 (bộ Chân trời sáng tạo) chủ đề 6 (bài đầu tiên của học kỳ II) phần văn bản văn học là học về Thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt luật Đường; phần viết là Viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội.
Chủ đề 7, phần văn bản văn học học về truyện; phần viết là Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (truyện).
Vì thế, giáo viên chỉ có thể yêu cầu học sinh phân tích tác phẩm văn học văn học (truyện) vì bài 6 Viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội thì sẽ trùng với chủ đề 4 ở học kỳ I, giáo viên vừa ra đề kiểm tra cuối kỳ I.
Nếu kiểm tra giữa kỳ II lấy kiểu bài Viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội thì học sinh dễ lấy lại bài cũ ở học kỳ I (cho dù kỳ II có yêu cầu cao hơn) nhưng vì trùng kiểu bài thì học sinh vẫn có thể lấy lại nội dung bài kiểm tra cũ để làm bài kiểm tra mới.
Vẫn biết, nếu ra đề lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa không phải là vấn đề quá khó đối với đa phần giáo viên nhưng sẽ khó với nhiều học sinh. Vì những truyện giáo viên thích, tâm đắc mới lấy làm ngữ liệu để ra đề kiểm tra nhưng giáo viên thích, tâm đắc đâu cũng đồng nghĩa với học sinh thích và hiểu được nội dung.
Chính vì thế, theo quan điểm người viết, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” trong bài kiểm tra cuối học kỳ là phù hợp vì lúc này học sinh đã học xong 4-5 chủ đề.
Lúc này, việc lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ phong phú và thuận lợi hơn vì các em đã học nhiều thể loại văn học, nhiều kiểu bài làm văn.
Riêng với bài kiểm tra giữa kỳ vì mới học xong 2 chủ đề là kiểm tra sẽ khiến cho cả thầy và trò gặp khó và thực tế việc làm này chưa đúng với tinh thần hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH mà Bộ đã ban hành ngày 21/7/2022.
Thực tế cho thấy, mặc dù cấp Trung học cơ sở đã triển khai chương trình mới đến năm thứ 3; cấp Trung học phổ thông đã gần hết năm thứ 2 nhưng riêng việc thực hiện kiểm tra môn Ngữ văn vẫn đang gặp nhiều lúng túng, bất cập.
Những bất cập không chỉ đơn thuần ở việc hướng dẫn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi ra đề kiểm tra mà ngay cả hình thức kiểm tra tự luận hoàn toàn hay tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan cũng đang mỗi địa phương mỗi kiểu.
Mục tiêu “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” như Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đề ra vẫn chưa thực hiện được mà nhiều trường, nhiều nơi cũng đang lúng túng trong chỉ đạo, thực hiện việc ra đề, đánh giá, kiểm tra môn Ngữ văn đối với các lớp đang thực hiện chương trình mới.