Kiểm tra năng lực, uy tín

Thông thường, uy tín được dùng đối với những người có chức danh, có quyền lực, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm, mến phục và công nhận. Đó là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực nổi trội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sống đàng hoàng, tử tế, có sức thuyết phục, lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng, hoặc rộng hơn là ảnh hưởng đến tầm quốc gia, quốc tế.

Một người khi được cất nhắc vào một vị trí nào đó trong bộ máy công quyền thì khắc có uy, có quyền. Chức vụ càng cao, lĩnh vực càng quan trọng thì cái uy, cái quyền càng lớn. Những người đưa hết trí tuệ, tài năng, tâm huyết để phục vụ, được mọi người tín nhiệm, mến phục thì càng làm việc càng phát huy, phát triển.

Tuy nhiên, quyền uy ấy chỉ thực sự có được khi thực sự có uy tín, có tài năng và tâm huyết với công việc chung. Trong thực tế đã có những vị bằng mọi thủ đoạn chạy chọt để được cất nhắc, đề bạt. Khi được vào vị trí rồi thì vênh vang, “đổi ghế đổi mồm”. Họ chỉ có được quyền uy nhờ cái ghế, nên phần nhiều cấp dưới và quần chúng nói chung đều không phục. Họ không chịu trau dồi nâng cao trình độ, năng lực nên uy tín bị giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tập thể, niềm tin của Nhân dân.

Mới đây, Bộ Chính trị vừa có kết luận số 34 về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Kết luận nêu rõ, “kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách”.

Đây là việc làm thiết thực trong tình hình hiện nay, nhằm nâng cao uy tín của người cán bộ, đảng viên - nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Đây cũng chính là nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, thiết thực củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ.

Ngọc Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/kiem-tra-nang-luc-uy-tin-157745.html