Kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các huyện Gio Linh và Đakrông

Hôm nay 24/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành đi kiểm tra thực địa tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 tại các huyện Gio Linh và Đakrông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam kiểm tra thực địa công trình đường giao thông sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh - Ảnh: H.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam kiểm tra thực địa công trình đường giao thông sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh - Ảnh: H.T

Theo báo cáo của UBND huyện Gio Linh, tính đến năm 2022, toàn huyện có 22.054 hộ dân, trong đó số hộ nghèo là 1.456 hộ, chiếm tỉ lệ 6,6%, số nhân khẩu thuộc hộ nghèo là 4.586 người; số hộ cận nghèo là 1.384 hộ, chiếm tỉ lệ 6,28%, số nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo là 5.599 người.

Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hộ nghèo thiếu hụt khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, cụ thể như: 909 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số việc làm; 103 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số dinh dưỡng; 538 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số bảo hiểm y tế; 237 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số trình độ giáo dục người lớn; 66 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số tình trạng đi học của trẻ em; 423 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số chất lượng nhà ở; 170 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số nguồn nước sinh hoạt…

Đánh giá về nguyên nhân nghèo và nhu cầu trợ giúp, UBND huyện Gio Linh cho rằng, các hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là hộ già cả, neo đơn, ốm đau, không có vốn phát triển sản xuất và nhu cầu trợ giúp chủ yếu là hỗ trợ về y tế, vay vốn, giáo dục và tiền điện.

Giai đoạn 2021-2023, vốn ngân sách trung ương phân bổ để thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Gio Linh là 28,963 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 14 tỉ đồng (năm 2022 là 8,5 tỉ đồng, năm 2023 là 5,5 tỉ đồng), vốn sự nghiệp 14,933 tỉ đồng (năm 2021 là 1,5 tỉ đồng; năm 2022 là 4,425 tỉ đồng; năm 2023 là 9,038 tỉ đồng).

Về kết quả thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 9 tháng năm 2023, hiện nay, nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển là 404,384 tỉ đồng, được phân bổ cho UBND xã Gio Hải để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình triển khai xây dựng trong năm 2022 và đến thời điểm hiện tại thì UBND xã Gio Hải vẫn đang triển khai thực hiện.

Nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện trong năm 2023 trên 7,1 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2022 chuyển qua trên 4,1 tỉ đồng do UBND xã Gio Hải quản lý, thực hiện và nguồn vốn được phân bổ năm 2023 là 3 tỉ đồng do Ban Quản lý Dự án – Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện quản lý, thực hiện.

Một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Gio Linh hiện nay tập trung vào tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp; những dự án, tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo khó triển khai thực hiện; các đối tượng được hưởng lợi còn có tâm lý e ngại, không mạnh dạn đăng ký tham gia…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam kiểm tra thực địa công trình thi công xây dựng đường giao thông nội đồng thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: H.T

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam kiểm tra thực địa công trình thi công xây dựng đường giao thông nội đồng thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: H.T

Tại huyện Đakrông, tổng số vốn ngân sách trung ương phân bổ giai đoạn 2021-2023 là 188,082 tỉ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển 110,8 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 77,282 tỉ đồng. Về tình hình giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hiện nay, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 kéo dài sang năm 2023 trên 46,9 tỉ đồng và tỉ lệ giải ngân đến thời điểm hiện tại đạt 63,85% kế hoạch; kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 kéo dài sang năm 2023 trên 12,1 tỉ đồng và đã giải ngân thanh toán trên 648 triệu đồng, đạt 5,32% kế hoạch.

Toàn huyện có 11.844 hộ với 49.397 khẩu, trong đó có 5.175 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 43,69%; 1.384 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 6,28%. Có 161 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỉ lệ 3,11% so với tổng số hộ nghèo, với 313 nhân khẩu; 22 hộ cận nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỉ lệ 1,9%, với 37 khẩu. Có 62 hộ người có công thuộc hộ nghèo với 269 nhân khẩu và 28 hộ người có công thuộc hộ cận nghèo với 121 nhân khẩu.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Đakrông cho biết, do địa bàn huyện tương đối rộng, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thực hiện và triển khai các mục tiêu giảm nghèo còn khó khăn; một bộ phận người dân ý thức vươn lên thoát nghèo chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, trên địa bàn huyện quy mô sản xuất về nông nghiệp đang nhỏ lẻ, phân tán, sản xuất theo vụ mùa và người dân chưa thấy rõ lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Huyện Đakrông kiến nghị kéo dài Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030 đối với huyện Đakrông và cần quy định rõ mức hỗ trợ theo từng loại hộ nhằm đảm bảo thống nhất mức hỗ trợ cho người dân đối với các dự án hỗ trợ cộng đồng.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi đất rừng sang đất xây dựng công trình và công tác cấp phép tận thu đất đắp; bổ sung hạng mục nhiệm vụ đặc thù theo Thông tư số 06 của Bộ Thông tin và Truyền thông để cấp huyện có cơ sở triển khai thực hiện…

Sau khi kiểm tra thực địa tại một số công trình, dự án có sử dụng nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và trên cơ sở những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị các huyện Gio Linh và Đakrông cần đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, truyền thông về giảm nghèo để huy động sự tham gia tối đa của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp.

Kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân các công trình, dự án kịp tiến độ, đúng quy định. Tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên người có công với cách mạng để hỗ trợ gia đình họ vượt lên mức sống tối thiểu.

Đối với huyện Gio Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc xây dựng kế hoạch, tổng hợp báo cáo, đồng thời thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định hộ làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình cuối năm 2023 đảm bảo sát đúng với thực tế đời sống của người dân, tránh chạy theo thành tích, tránh bỏ sót đối tượng để làm cơ sở thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện Đakrông cần thực hiện lồng ghép vốn của Dự án 1 - Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng vào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn Dự án 5 - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; vốn Đề án 197 để hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn vốn đã được phân bổ; xây dựng, lập kế hoạch thực hiện chương trình theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các địa phương cần kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh để xem xét, tháo gỡ.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/kiem-tra-tinh-hinh-thuc-hien-chuong-trinh-mtqg-giam-ngheo-ben-vung-nbsp-tai-cac-huyen-gio-linh-va-dakrong/179298.htm