Kiểm tra tính pháp lý vườn sầu riêng tại điểm sạt lở đèo Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra tính pháp lý diện tích đất trồng sầu riêng nơi xảy ra vụ sạt lở làm 4 người tử vong.

Ngày 1/8, sau gần 2 ngày đóng đèo để khắc phục hậu quả vụ sạt lở khiến ba CSGT và một người dân thiệt mạng, đèo Bảo Lộc đã chính thức thông xe trở lại.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra tính pháp lý diện tích đất trồng sầu riêng nơi xảy ra vụ sạt lở. Ảnh: Ngọc Hùng.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra tính pháp lý diện tích đất trồng sầu riêng nơi xảy ra vụ sạt lở. Ảnh: Ngọc Hùng.

Sau khi xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về vườn sầu riêng tại điểm sạt lở, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND huyện Đạ Huoai kiểm tra tính pháp lý của diện tích vườn này. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.

Theo UBND huyện Đạ Hoai, khu vực trên thuộc đất lâm nghiệp do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 thì bàn giao cho Ban Quản lý rừng Nam Huoai. Đến năm 2008, phần diện tích khu vực trên (gồm chốt CSGT đèo Bảo Lộc, phần diện tích trồng sầu riêng bị sạt lở và một phần diện tích Miếu Ba Cô) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng, với diện tích khoảng 2,7ha.

Diện tích đất bị sạt trượt bao gồm một phần diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô do bà Đ.T.L canh tác cây nông nghiệp ổn định từ trước năm 1985 đến nay.

Về diện tích khoảng 1ha trồng sầu riêng, từ năm 1985 - 2019, bà L đã trồng bơ, mít và một số loại cây ăn trái khác. Đến năm 2019, do những loại cây nói trên kém năng suất, bà L đã chuyển sang trồng sầu riêng và giao cho một người đàn ông tên Bi trông coi, chăm sóc.

Hiện trường vụ sạt lở khiến 4 người tử vong. Ảnh: Ngọc Hùng

Hiện trường vụ sạt lở khiến 4 người tử vong. Ảnh: Ngọc Hùng

Trao đổi với phóng viên, bà Đ. T. L (76 tuổi) cho biết, trước năm 1975, ông Đặng H (bố bà L.) khai hoang diện tích đất trên để canh tác. Sau khi ông H mất, diện tích đất được giao lại cho bà L quản lý, sử dụng. Sau đó, bà L trồng bơ, cà phê, mít, một thời sau đất đai cằn cỗi, bà L chuyển lại cho cháu trai (tên B) cải tạo để trồng sầu riêng. Tính đến nay, các cây sầu riêng đã phát triển được khoảng 3 năm tuổi.

Theo ông B., có những ý kiến cho rằng gia đình ông phá rừng gây sạt lở là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình. Diện tích đất trên, gia đình ông bà canh tác từ lâu, sau này ông tiếp nhận canh tác trồng trọt chứ không có việc phá rừng trồng sầu riêng.

Trước đó, ngày 31/7, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính pháp lý liên quan đến chốt CSGT tại đèo Bảo Lộc đầy đủ, tức là đã chuyển đổi từ đất rừng sang đất xây dựng.

Theo ông Hiệp, năm 1993, chốt CSGT đèo Bảo Lộc được phát triển, xây kiên cố để đảm bảo điều kiện cư trú, nghỉ ngơi cho lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra, đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến đèo Bảo Lộc.

“Nguyên nhân sạt lở đã rõ. Hằng năm tỉnh Lâm Đồng có lượng mưa rất lớn, trong đó địa bàn Bảo Lộc có lượng mưa nhiều. Chính vì vậy nguy cơ sạt lở cao, do kết cấu nền đất bazan không bền vững gây sạt lở”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận.

Như Báo Giao thông đưa tin, chiều 30/7, ảnh hưởng của cơn bão số 2, mưa lớn kéo dài làm đèo Bảo Lộc bị sạt lở nhiều điểm, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Trong khi lực lượng thuộc Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Madaguôi đang tổ chức tuần tra kiểm soát, phân luồng giao thông và cùng người dân di dời phương tiện, trang thiết bị tại trạm, bất ngờ lượng lớn đất đá đổ xuống, vùi lấp làm ba chiến sĩ công an hy sinh, một người dân thiệt mạng.

Ngọc Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kiem-tra-tinh-phap-ly-vuon-sau-rieng-tai-diem-sat-lo-deo-bao-loc-d599228.html