Kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh

Ngày 18 - 9, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh hóa đã đi kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh và kế hoạch khánh thành Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy).

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra vùng trồng cây gai xanh tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy)

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương và 11 huyện vùng nguyên liệu.

Trước khi nghe kết quả triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế vùng sản xuất cây gai xanh và tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất sợi dệt của Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu An Phước tại xã Cẩm Tú.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm vườn sản xuất cây gai xanh giống của Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu An Phước tại xã Cẩm Tú.

Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương rà soát, phân bổ chỉ tiêu trồng mới cây gai xanh cho các địa phương. Đồng thời, phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu An Phước hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây gai xanh AP1 và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân trong vùng nguyên liệu.

Đến tháng 9 - 2020, diện tích cây gai xanh đạt 154,1 ha, trong đó trồng mới 76,3 ha, lưu gốc 76,8 ha. Năng suất bình quân đạt 700 kg vỏ khô/ha/lần thu hoạch.

Gai xanh là cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều lần, nhiều năm, góp phần giảm chi phí đầu tư sản xuất. Hiệu quả sản xuất cây gai xanh đạt khá, lợi nhuận đạt từ 45 - 50 triệu đồng/ha/năm đối với cây gai vụ đầu và 80 triệu đồng/ha/năm đối với cây gai năm thứ 2.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra kho tập kết nguyên liệu của Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu An Phước tại xã Cẩm Tú.

Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương trong vùng nguyên liệu đã thảo luận nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trồng cây gai xanh tại cơ sở. Đó là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất cây gai xanh còn hạn chế, nhất là khâu giống. Đầu tư thâm canh, cơ giới hóa, việc thu hoạch sơ chế gai tại nông hộ rất phức tạp do Nhà máy mua nguyên liệu là vỏ khô… Cùng với đó, Nhà máy của Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu An Phước chưa hoàn thành và đi vào hoạt động dẫn đến người dân chưa yên tâm đầu tư trồng cây gai xanh.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tiến độ lắp thiết bị của nhà máy sản xuất sợi dệt.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu An Phước đã trình bày kịch bản chương trình khánh thành Nhà máy sản xuất sợi dệt, dự kiến thời gian vào đầu tháng 10 - 2020 tại xã Cẩm Tú.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu An Phước đã tập trung nguồn vốn, nhân lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Nhà máy sản xuất sợt dệt theo kế hoạch. Cùng với xây dựng nhà máy, công ty đã quan tâm phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến của nhà máy.

Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID - 19 nên chyên gia nước ngoài chưa sang hoàn thiện lắp đặt thiết bị nhà máy, nên còn chậm so với kế hoạch. Tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành với Công ty để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời phân công trách nhiệm cho các ngành liên quan của tỉnh và các địa phương vùng quy hoạch nguyên liệu để sản xuất theo kế hoạch đề ra, bảo đảm nguồn liệu sản xuất ổn định cho nhà máy.

Có thể khẳng định cây gai xanh bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu trên cơ sở Đề án phát triển nguồn nguyên liệu cây gai xanh của tỉnh, Ngành nông nghiệp và các địa phương vùng nguyên liệu phải đưa cây gai xanh vào cơ cấu cây trồng của địa phương. Đồng thời có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh cây gai xanh ứng dụng công nghệ tưới phun mưa.

Đối với Công ty, thường xuyên phối hợp với và các địa phương liên kết bao tiêu sản phẩm, đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và công bố giá thu mua nguyên liệu từng thời điểm.

Các sở, ngành có liên quan của tỉnh hoàn thành các thủ tục để cho Nhà máy sớm đi vào hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.

Về tổ chức khánh thành Nhà máy, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thống nhất bổ sung công trình khánh thành nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Công ty cùng với các sở, ngành có liên quan và huyện Cẩm Thủy phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện các thủ thủ tục để báo cáo Thường trực UBND tỉnh xem xét.

Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/kiem-tra-viec-trien-khai-thuc-hien-de-an-phat-trien-vung-nguyen-lieu-cay-gai-xanh/124495.htm