Kiểm tra, xác minh phản ánh về khai thác rừng thông tại xã Hoằng Yến, Hoằng Trường để trồng cây ăn quả
Vừa qua, dư luận xôn xao về hàng chục ha rừng thông trên núi Linh Trường (thuộc 2 xã Hoằng Yến và Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) bị đốn hạ, khiến người dân lo lắng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 5-4-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận được đơn đề nghị được khai thác rừng trồng kèm theo phương án khai thác và trồng lại rừng của các hộ gia đình ông: Lê Xuân Hải, Lê Văn Thành, Lê Văn Dậu, tại xã Hoằng Trường. Sau khi xem xét đơn và hồ sơ đề nghị được khai thác của các hộ gia đình, trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa và các quy định của pháp luật có liên quan, ngày 22-4-2022, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 1485/SNN&PTNT-KL về việc giải quyết đề nghị khai thác gỗ rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
Theo đó, Sở NN&PTNT đã chấp thuận theo phương án khai thác và trồng lại rừng của các hộ gia đình nêu trên. Đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện hướng dẫn các chủ rừng khai thác theo băng, chiều rộng băng khai thác 20m theo đường đồng mức; chiều rộng băng chừa 20m, phải đảm bảo mật độ cây thông còn lại ít nhất 600 cây/ha; đặc biệt không được tác động, làm biến dạng địa hình khu vực khai thác.
Tiếp đó, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành 2 công văn: số 1007/UBND-NN&PTNT, ngày 13-5-2022 và số 2321/UBND-NN&PTNT, ngày 3-10-2022 về việc kiểm tra, giám sát việc khai thác rừng trồng tại xã Hoằng Trường và Hoằng Yến. Giao UBND xã Hoằng Trường, xã Hoằng Yến thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác rừng của hộ gia đình ông: Lê Xuân Hải, Lê Văn Thành, Lê Văn Dậu và Phạm Văn Chiều theo đúng đối tượng, ranh giới, phương thức, kỹ thuật khai thác; chỉ được khai thác theo băng, chiều rộng băng khai thác 20m theo đường đồng mức; chiều rộng băng chừa 20m, bằng chừa phần dưới chân đồi giáp khu vực dân cư phải đảm bảo chiều rộng tối thiểu 50m; phải đảm bảo mật độ cây thông còn lại ít nhất 600 cây/ha. Đặc biệt không được tác động, làm biến dạng địa hình khu vực khai thác quá lớn. Trong quá trình khai thác, phải chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về lâm nghiệp và quy định của pháp luật khác có liên quan. Chỉ đạo các hộ trồng lại rừng ngay sau khai thác theo hình thức “cuốn chiếu”: trồng theo khu vực, với diện tích từ 3.000 - 3.500m, trồng xong mới làm khu vực khác. Đồng thời, thực hiện các biện pháp để tránh sạt lở đất, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra UBND huyện nhận thấy 4 chủ rừng nêu trên đã hết thời gian khai thác và trồng rừng theo phương án khai thác và trồng rừng được Sở NN&PTNT chấp thuận. Do vậy, ngày 1-7-2023, UBND huyện Hoằng Hóa có Công văn số 1718/UBND-NN&PTNT về việc tạm dừng việc khai thác và trồng rừng tại xã Hoằng Trường, xã Hoằng Yến.
Qua nắm bắt dư luận xã hội, ngày 4-7-2023, Sở NN&PTNT có Công văn số 3272/SNN&PTNT-CCKL đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa kiểm tra, xác minh thông tin về khai thác rừng thông tại xã Hoằng Trường, Hoằng Yến để trồng cây ăn quả.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoằng Hóa, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Hoằng Trường, Hoằng Yến phối hợp với Hạt Kiểm lâm ven biển đã tổ chức đoàn kiểm tra, xác minh. Theo đó, về hồ sơ khai thác tổng diện tích rừng của 4 chủ rừng đã được Sở NN&PTNT chấp thuận phương án khai thác và trồng lại rừng là 37,88 ha; toàn bộ diện tích rừng nêu trên đều là rừng sản xuất được phê duyệt tại Quyết định số 3230/QĐ-UBND, ngày 29-8-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2025. Các chủ rừng đều có bản cam kết thực hiện các quy định bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong quá trình khai thác và trồng rừng với UBND cấp xã.
Tuy nhiên, qua kiểm tra ngoài thực địa, hộ ông Lê Văn Thành, ở thôn Giang Sơn được Sở NN&PTNT chấp thuận theo phương án xin khai thác và trồng lại rừng tại lô 28, lô 31, lô 32, khoảnh 1, tiểu khu 563A1; loại rừng sản xuất. Tổng diện tích được chấp thuận là 7 ha, trong đó 4 ha có rừng và 3 ha đất trống. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, trên diện tích đất trống 3 ha, hộ gia đình đã san gạt, đào hố bằng máy theo đường đồng mức, chiều rộng trung bình đường đồng mức từ 3 - 3,5m để trồng rừng, loài cây trồng chính đã trồng là cây dổi (thực sinh), đồng thời trồng xen mít, dừa, dứa, xoài, bưởi. Trên diện tích 4 ha có rừng, hộ gia đình đã khai thác rừng theo băng chặt, băng chừa và trồng lại rừng xong; các băng chừa lại vẫn còn thông, bạch đàn. Đến thời điểm kiểm tra, hộ ông Lê Văn Thành đã khai thác và trồng lại rừng xong.
Hộ ông Lê Văn Dậu, ở cùng thôn Giang Sơn được Sở NN&PTNT chấp thuận theo phương án xin khai thác và trồng lại rừng tại lô 12, lô 13, lô 23, khoảnh 1, tiểu khu 563A1; loại rừng sản xuất; diện tích được chấp thuận là 2 ha. Tại thời điểm kiểm tra, hộ gia đình ông Dậu đã khai thác, san gạt, đào hố bằng máy theo đường đồng mức, chiều rộng trung bình đường đồng mức từ 3 - 3,5m và trồng lại rừng xong. Loài cây chính trồng lại rừng là cây dổi, trồng xen mít, dừa, xoài. Ngoài ra, tại khu vực trồng rừng, hộ gia đình ông Dậu đã làm 2 bể chứa nước diện tích mỗi bể tương ứng 60m2 và 100m2 (kết cấu đắp bờ đất, lót bạt PE) để tích trữ nước và lắp đặt đường ống, hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ tưới cây và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hộ ông Lê Xuân Hải, thôn 4 được Sở NN&PTNT chấp thuận theo phương án xin khai thác và trồng lại rừng tại lô 110, lô 111, lô 112, khoảnh 1, tiểu khu 563A1; loại rừng sản xuất; diện tích được chấp thuận là 6,4 ha. Tại thời điểm kiểm tra, hộ gia đình ông Hải đã khai thác được khoảng 80% diện tích trong phương án được chấp thuận; đồng thời đang tiến hành san gạt, đào hố, bỏ phân để chuẩn bị trồng lại rừng.
Hộ ông Phạm Văn Chiều, ở thôn Liên Minh được Sở NN&PTNT chấp thuận theo phương án xin khai thác và trồng lại rừng tại lô 27, lô 33, lô 161, lô 162, khoảnh 1, tiểu khu 563A1; loại rừng sản xuất; diện tích được chấp thuận là 22,48 ha. Tại thời điểm kiểm tra, hộ gia đình ông Chiều đã khai thác và trồng lại rừng được trên 50% diện tích trong phương án được chấp thuận, chiều rộng trung bình đường đồng mức từ 3 - 3,5m. Loài cây chính trồng lại rừng là cây dổi, trồng xen mít, dừa, xoài, dứa. Tại khu trồng rừng có 2 bể chứa nước, diện tích mỗi bể tương ứng 500m2 và 300m2 (kết cấu đắp bờ đất, lót bạt PE), lắp đặt đường ống, hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ tưới cây và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Như vậy, 4 hộ gia đình nêu trên đã khai thác theo phương án băng chặt, băng chừa. Tuy nhiên, kết quả đo bằng máy GPS có tọa độ và kích thước băng chặt, băng chừa và mật độ cây còn lại chưa đảm bảo theo phương án được chấp thuận, có băng rộng hơn (từ 1 đến 12m), có băng hẹp hơn (dưới 20m). Theo các hộ gia đình khai thác là do mật độ cây trồng không đồng đều, có nhiều diện tích đất trống, độ dốc cao, địa hình khó khăn nên việc tạo đường băng khai thác phải dựa vào địa hình thực tế.
Trước kết quả kiểm tra thực địa nêu trên, ngày 7-7-2023, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Công văn số 1795/UBND-NN&PTNT về việc kiểm tra, xác minh phản ánh của dư luận về khai thác rừng thông tại xã Hoằng Yến, Hoằng Trường để trồng cây ăn quả, đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT có ý kiến chỉ đạo xử lý đối với việc thực hiện khai thác và trồng lại rừng của 4 hộ gia đình nêu trên.